Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Hà Nội: Đi ăn miến "siêu cua" ở phố Gầm Cầu

Món miến cua đơn giản nhưng lại rất được yêu thích nhờ gạch cua ngon và... siêu nhiều.

Chắc hẳn trong chúng ta không ai còn xa lạ gì với món miến cua. Tuy không phải là một đặc sản của Hà Nội, nhưng với hương vị nhẹ nhàng, thanh mát, miến cua rất dễ ăn và mùa nào cũng thích hợp để thưởng thức. Thông thường, tùy vào sở thích của mỗi người sẽ lựa chọn một quán “ruột”, ưng ý để lui tới. Tuy vậy, tựu lại các cửa hàng kinh doanh miến cua đều có hai loại chính là: miến nước và miến trộn. Hàng miến cua mà chúng mình sắp giới thiệu cũng không nằm ngoại lệ.
Mặc dù nằm trên mặt phố không khác gì một con ngõ nhỏ, khá khuất với một bên là các cửa hàng kinh doanh bày la liệt hàng hóa ra phố, còn một bên là đường tàu; song quán ăn vẫn khá đông khách. Thoạt tiên, mới đi qua con phố Gầm Cầu này, bạn đã có thể ngửi thấy mùi thơm nhè nhẹ, rất đặc trưng của cua đến từ nồi nước dùng của bà chủ quán, khiến bạn ứa nước miếng còn dạ dày thì reo vang vì thòm thèm. Theo như những người khách tại đây đánh giá, sở dĩ quán được nhiều người biết tới vì miến ăn khá được, đầy đặn với nhiều thứ và đặc biệt là gạch cua rất ngon, đậm đà. 


 
Gọi một bát miến cua Gầm Cầu, ấn tượng lớn nhất có lẽ là nguyên cả tảng gạch cua to bự xuất hiện ngay giữa bát. Ngoài ra thì một bát miến ở đây khá đầy đặn với nhiều thứ bên trong như: miến, thịt bò trần, giò tai được thái thành nhiều miếng hình chữ nhật, rau cải, rau muống, giá và cả hành phi nữa.


 
Đấy là về phần nhìn, còn về phần ăn thì quán cũng được mọi người yêu thích bởi hương vị đậm đà của món ăn này. Vì là miến cua, nên cái quan trọng nhất vẫn là phải có gạch cua và nước dùng thật ngon. Gạch cua có màu nâu vàng mỡ màng đặc trưng. Nếm thử một miếng, bạn sẽ thấy nó mềm tan trong miệng, rồi mùi thơm của gạch cua tỏa ra, tạo nên một hương vị không thể tuyệt hơn. Thế rồi, bạn sẽ thấy được vị ngọt đến từ những miếng thịt bò trần vừa chín tới; độ dai dai, sần sật của giò tai điểm xuyết trong cảm giác mềm mềm, thanh mát đền từ các loại rau và miến. Đặc biệt, hành khô của quán được bà chủ quán tự tay phi lấy mà mỗi bát được cho vào không ít nên rất dậy mùi thơm, làm tăng thêm độ hấp dẫn của một bát miến cua. Nước dùng thì trong trẻo và đậm đà hương vị, vì thế nên việc ăn miến nước hay miến trộn Gầm Cầu cũng là một sự lựa chọn không tồi.
Mặc dù quán khá khuất nhưng cũng không quá khó tìm; bởi quán nằm ngay trên mặt phố Gầm Cầu, ở đoạn phố rất ngắn, kẹp giữa phố Hàng Giấy và phố Hàng Lược. Quán chỉ mở ban ngày, song tốt nhất bạn nên đến vào giờ trước hoặc sau bữa trưa một tí thôi nhé!
Mỗi một bát miến cua ở đây (không phân biệt là miến nước hay miến trộn) đều có giá là 30k, không phải là quá rẻ so với mặt bằng chung tại Hà Nội. Tuy nhiên với một bát miến đầy đặn và nhiều gạch cua như thế này thì cũng đáng để thử đấy chứ?

 

Bánh đúc nộm ngon lành trong lòng Hà Nội

(Mytour.vn) - Một món ăn đặc trưng vùng Bắc Bộ với từng miếng bánh đúc mềm mềm mịn hòa quyện trong nước canh vừng lạc thơm ngậy tạo nên món quà ăn chơi mang hương vị mộc mạc nhưng vô cùng quyến rũ và hấp dẫn du khách.

Vào những ngày rằm hay mùng một hàng tháng, hình ảnh các bà các mẹ đi lễ về trên tay cầm theo túi bánh đúc lạc với tương hay bánh đúc nộm đã trở nên khá quen thuộc trong nhiều gia đình. Bánh đúc vốn là món ăn bình dị, mộc mạc của vùng nông thôn nhưng lại dần len lỏi vào những bữa quà chiều ở chốn thành thị lúc nào không hay. Món ăn dân dã mang đậm hồn quê Việt có sức hấp dẫn đặc biệt.

Có thể tìm thấy khá nhiều gánh bánh đúc nộm trên các con phố của thủ đô nhưng ngon và nổi tiếng nhất phải kể đến quán bánh đúc ở 47 Châu Long hoặc gánh hàng rong của cô Lê, buổi sáng ngồi trước cửa nhà số 66 Hàng Bạc, còn buổi chiều cô chuyển ra ngồi ở trước ngôi nhà cổ số 14 Đào Duy Từ.

 
 
Từng miếng bánh đúc bóng mịn được cô bán hàng nhanh tay thoăn thoắt cắt thành sợi mỏng, dài cho vào bát lớn rồi chan thêm nước canh vừng lạc lẫn giá chần vào. Mọi thao tác của cô bán hàng đều rất nhanh và thuần thục, chỉ một loáng thôi thực khách đã thấy ngay bát bánh đúc nộm thơm ngon trước mắt. Ăn kèm với bánh đúc nộm không thể thiếu các loại rau thơm như rau ngổ, kinh giới, tía tô, hoa chuối hay thân chuối non thái mỏng... Nếu ăn được cay, thực khách có thể cho thêm một chút ớt bột hoặc vài lát ớt tươi để cảm nhận trọn vẹn màu sắc và hương vị của món ăn bình dị mà lại đầy tinh tế này.

Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận thấy từng miếng bánh đúc mềm mịn hòa quyện với vị thơm ngậy, bùi bùi của nước canh vừng lạc, ngọt mát của giá chần và phảng phất mùi ngan ngát của các loại rau sống, tạo thành một hương vị nhẹ nhàng mà cuốn hút cứ lan tỏa trong miệng, làm say lòng những con người của mảnh đất Hà thành


Để có bánh đúc ngon, khi nấu phải lấy đũa cả quấy liên tục thật đều tay sao cho bột không vón, không sát nồi. Lửa nấu bánh phải nhỏ và đều thì bánh mới chín và không bị khê. Bánh đúc đạt "chuẩn" là khi nguội phải có độ mặn, bóng mịn, không nồng vôi và khi cắt không bị dính tay.

Nhưng "hồn cốt" của món bánh đúc nộm lại nằm ở chính thứ nước canh màu trắng sữa béo ngậy từ vừng lạc. Người bán hàng phải rất cẩn thận trong khâu chọn nguyên liệu, vừng lạc phải hoàn toàn tươi mới nếu không chỉ cần có một hạt hỏng thôi thì cả nồi nước canh sẽ bị ám mùi rất khó chịu. Sau đó, vừng lạc được đem xay nhỏ và đun cùng với nước giá chần tạo thành thứ nước canh dậy mùi thơm, ngậy ngậy, béo béo nhưng không bị ngấy mà vẫn đảm bảo được vị thanh mát đầy hấp dẫn.

Với những nguyên liệu đơn giản, bình dị như gạo, rau, vừng, lạc cùng hương vị nhẹ nhàng, tinh tế, bánh đúc nộm là món chay, món quà ăn chơi mộc mạc chinh phục vị giác cả những người sành ăn nhất. Một bát bánh đúc nộm có giá 20.000 đồng.
(Nguồn:Mytour.vn (Theo VNE)

 

Thăm vẻ đẹp xưa ở Hưng Yên với Làng Nôm

Từ Hà Nội chạy men theo đường sắt Bắc Nam khoảng 30 cây số, chúng tôi đến huyện Văn Lâm, Hưng Yên để thăm làng Nôm, một làng cổ đang được nhiều người yêu thích nét đẹp xưa tìm tới. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh bát ngát yên bình.

Bước qua cánh cổng làng cổ kính có từ hàng trăm năm nay, một không gian làng quê còn khá nguyên vẹn mở ra trước mắt mọi người. Nằm ở vị trí trung tâm làng có một hồ nước rộng và trong xanh.

Hai bên hồ là những cây cau thẳng tắp, những cây nhãn vàng ươm bởi những sợi tơ hồng quấn quýt. Đặc biệt quanh hồ còn có nhiều ngôi nhà cổ, nhiều nhà thờ dòng tộc có niên đại hơn trăm tuổi cũng long lanh in hình dưới hồ nước.



Bao bọc quanh làng Nôm vẫn còn nguyên những rặng tre xanh kĩu kịt gió đưa. Những con đường gạch đỏ son và bờ rào duối hiếm hoi còn lại xen lẫn với dãy bờ tường xây dẫn vào các ngõ ngách của làng.

Đối diện với cổng làng, bên kia hồ là một quần thể kiến trúc đẹp gồm đình làng, giếng cổ và cây đa cổ thụ. Ông Đỗ Ngọc Vượng, phát thanh viên của làng cho biết: “Làng Nôm hiện nay có hơn 600 nhân khẩu. Làng có từ những năm đầu Công nguyên, nhưng phải đến cuối thế kỷ XV, dân cư mới tập trung đông đúc. Trước đây, người dân trong làng có nghề buôn đồng nát. Bà con ở đây đi mua đồng nát về bán lại cho các lò đúc đồng ở địa phương và các vùng lân cận. Nhờ chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong làm ăn buôn bán, nên làng Nôm nhờ đó mà ngày càng hưng thịnh, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển”.



Ông Vượng cho biết thêm, hằng năm cứ vào ngày 11, 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng lại nô nức đón ngày hội làng. Đây là dịp vừa để dân làng báo ơn công đức với thành hoàng làng, để lưu giữ nét sinh hoạt truyền thống, vừa là ngày hội để con cháu xa gần trở về quê hương, báo hiếu công ơn ông bà, cha mẹ...

Cạnh ngôi đình cổ kính, lọt thỏm dưới cây đa cao tuổi quanh năm tỏa bóng mát là một lớp học mẫu giáo nho nhỏ xinh xinh. Cách đó không xa, cây cầu đá bắc qua sông Nguyệt Đức, nối liền làng với chợ và chùa Nôm cũng là một hình ảnh gây ấn tượng khó quên.

Cây cầu gồm chín nhịp, mặt cầu được ghép bằng những phiến đá xanh. Hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo và cầu kỳ, trông như những cái đầu rồng của những thuyền rồng mà vua chúa ngày xưa hay dùng để đi du ngoạn.

 Chùa Nôm thuộc thiền phái Lâm Tế. Không còn ai nhớ chính xác ngày tháng ra đời của ngôi chùa. Chỉ biết rằng, trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa đã được xây dựng lại vào năm 1680 và được trùng tu nhiều lần sau đó.



Chùa trước đây là ngôi đại tự có tiếng của Hưng Yên. Theo truyền thuyết thì xưa kia chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên “Linh thông cổ tự”.

Cạnh chùa, chợ Nôm vẫn tấp nập người mua kẻ bán. Hình ảnh vợ chồng người thợ rèn dưới gốc cây đa, bà cụ đang nhai trầu móm mém bên những cái rá cái rổ đan bằng tay... làm người ta ngỡ mình được đi ngược thời gian trở về mấy mươi năm trước.

Dừng chân bên bến nước, nhìn đàn vịt tung tăng bơi lội giữa mặt hồ, hà hít không khí trong lành, chúng tôi hiểu vì sao làng Nôm đã chinh phục được không ít du khách thập phương lặn lội phương xa tới đây để thưởng ngoạn. Mong sao vẻ đẹp của làng quê Bắc bộ xưa sẽ còn lại mãi ở nơi đây.„




Mytour.vn (Theo Doanhnhansaigon)

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam

1. Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng, được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Nằm trên độ cao 1.500 và được núi rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm.

Lịch sử một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ 20. Những ưu thế này giúp Đà Lạt trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng Việt Nam.

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 1

2. Sa Pa

Sa Pa là một thị trấn vùng cao, khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1.500 đến 1.650m, thị trấn này có khí hậu mang sắc thái ôn đới và cận nhiệt đới, không khí mát mẻ quanh năm, một ngày có đủ bốn mùa.

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 2

 

Nhiệt độ không khí trung bình năm của Sa Pa là 15 °C, nhiệt độ cao nhất mùa hè là 25 độ C, mùa đông có thể dưới 0 độ C và có tuyết rơi.

3. Phia Oắc

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 3

 

Nằm trên độ cao gần 2.000m, đỉnh Phia Oắc, Cao Bằng hoang sơ được ví như một “tiên cảnh” dành cho những người ưa du lịch khám phá. Nhiệt độ trung bình năm ở nơi đây luôn dưới 15 độ C, do độ ẩm cao nên mây mù thường xuyên bao phủ và vào mùa đông xuất hiện băng tuyết.

Ngoài ra, ẩn trong các khu rừng rậm ở Phia Oắc là hàng chục ngôi biệt thự cổ hoang phế, được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

4. Tam Đảo

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 4

 

Thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được chính quyền thực dân Pháp xây dựng trên dãy núi Tam Đảo để làm nơi nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ 20. Nằm trên độ cao 900 m, đây là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, với 4 mùa trong một ngày.

Gần thị trấn du lịch nổi tiếng ở miền Bắc này là những danh thắng nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên, vườn quốc gia Tam Đảo.

5. Mẫu Sơn

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 5

 

Mẫu Sơn là vùng núi cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, độ cao trung bình khoảng 1.000 m so với mực nước biển. Đây là nơi nổi tiếng với cảnh quan đẹp và các sản vật như chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay…

Nhiệt độ trung bình ở vùng núi này là 15,5°C, về mùa đông xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Khu du lịch Mẫu Sơn rộng khoảng 20 ha, có đầy đủ các tiện nghi để phục vụ khách du lịch.

6. Mộc Châu

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 6

 

Cao nguyên Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới.

Với rất nhiều khung cảnh đẹp của các đồi chè, nông trường, rừng núi và sông suối… đây là “địa chỉ đỏ” dành cho dân “phượt” cũng như những người mê nhiếp ảnh ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam

7. Ba Vì

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 7

 

Cách trung tâm Hà Nội 50 km, vườn quốc gia Ba Vì chạy dọc theo hướng Đông Bắc – Tây Nam của dãy núi Ba Vì với đỉnh Tản Viên cao 1.296m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120m.

Từ đầu thế kỷ 20, Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Đây vừa là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng, vừa là nơi dành cho những người thích khám phá vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.

8. Đồng Văn

 

Nằm ở độ cao hơn 1.000m, cao nguyên Đồng Văn nằm ở tỉnh Hà Giang là mảnh đất địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Cao nguyên này đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vì những điểm độc đáo trong cấu tạo địa chất.

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 8

 

Đối với khách du lịch, đây là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, khí hậu luôn ôn hòa mát mẻ và chưa bị thương mại hóa, rất phù hợp cho những chuyến “phượt” dài ngày.

9. Bạch Mã

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 9

 

Dãy núi Bạch Mã (Thừa Thiên – Huế) chắc chắn là một trong những nơi nghỉ dưỡng có khí hậu dễ chịu nhất trên các vùng cao của Đông Dương. Nằm ở độ cao gần 1.500m, lại gần biển, nhiệt độ ở Bạch Mã không bao giờ thấp hơn 4 độ C vào mùa đông và vượt quá 26 độ C vào mùa hè.

Khu nghỉ dưỡng trên ngọn núi này đã được người Pháp xây dựng từ thập niên 1930.

10. Bà Nà

 

10 địa điểm du lịch trốn nóng ở Việt Nam - 10

 

Cùng với Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, Bà Nà là một trong những ngọn núi đẹp nhất Đà Nẵng. Rặng núi này có chế độ khí hậu ôn hòa với nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 15-20 độ C, cao nhất chỉ đến 22 – 25 độ C, về đêm khoảng 15 – 17 độ C.

Khu nghỉ dưỡng ở Bà Nà đã được thiết lập từ đầu thế kỷ 20, nhưng bị lãng quên trong nửa thế kỷ do chiến tranh. Đến những năm 2000, Bà Nà mới được “đánh thức” trở lại để trở thành điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của miền Trung.


Du lịch Đồng Nai - Điểm nhấn quan trọng là những khu du lịch sinh thái

ĐỒNG NAI LÀ MỘT TỈNH VÙNG MIỀN ĐÔNG NAM BỘ NƯỚC VIỆT NAM. TỈNH ĐỒNG NAI CÁCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHOẢNG 30 KM, CÁCH HÀ NỘI 1.684 KM THEO ĐƯỜNG QUỐC LỘ 1A. TỈNH ĐƯỢC XEM LÀ MỘT TỈNH CỬA NGÕ ĐI VÀO VÙNG KINH TẾ ĐÔNG NAM BỘ - VÙNG KINH TẾ PHÁT TRIỂN VÀ NĂNG ĐỘNG NHẤT CẢ NƯỚC.

Đồng Nai cũng được đi vào ca dao Việt Nam:
“ Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về...”


Nói đến Đồng Nai người ta thường nghĩ đến mảnh đất miền Đông Nam Bộ gian lao mà anh dũng thời kháng chiến và là một trung tâm công nghiệp của đất nước trong thời kỳ phát triển. Không những thế, Đồng Nai còn được biết đến bởi cảnh quang, môi trường mà thiên nhiên ban tặng.

Từ thế mạnh đó, loại hình du lịch sinh thái ở Đồng Nai đã và đang được chú ý, ưu tiên phát triển. Một số khu du lịch, điểm du lịch sinh thái ra đời và thu hút khá đông lượng khách tham quan, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng.


 

 
Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền: Với cảnh quang sông nước hùng vĩ của thác Giang Điền, cảnh thơ mộng bên dòng thác đôi dọc bờ suối Tre, cảnh hoang dã bên bờ sông Buông, triền đồi lượn sóng, cây xanh bong mát, cỏ hoa đua nhau khoe sắc, khí hậu trong lành mát dịu. Các công trình dịch vụ và hoa viên của Khu du lịch sinh thái Thác Giang Điền được thiết kế và xây dựng hài hòa với cảnh quan sinh thái. 
Du khách sẽ cảm nhận được sự thú vị khi cảnh quang thay đổi dần theo từng bước chân, vãn cảnh trên những tuyến đường trải đá, đường mòn được trồng và mang tên loài hoa, loài cây; cũng như tìm giây phút riêng tư duới tán cây, trên thảm cỏ mịn xanh rờn của các cù lao, các khu thư giãn, hồ nuớc,.... Ngoài ra, du khách còn có được những khoảnh khắc sống động, vui tươi đặc biệt tại khu cắm trại.

Điểm du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng: Nơi được thiên nhiên ban tặng sông nước hữu tình, đón được nhiều hướng gió trong lành tạo cho du khách tham quan cảm nhận được sự trở về với tuổi thơ trên dòng nước trong xanh. Nơi đây du khách cũng được đi cầu trượt nước, câu cá, bơi thuyền hoặc tản bộ trong vườn cây ăn trái. Với diện tích gần 4 ha, 200 láng trại nhà sàn, nhà chòi, nếu du khách đi tham quan tập thể và có đăng ký sẽ được cung cấp những dụng cụ phục vụ trò chơi tập thể như kéo co, cà kheo, khăn bịt mắt, bàn chân vịt, xe ngheo, ổ vịt trứng đẻ...

Điểm nổi bật ở khu du lịch sinh thái này là khu sinh hoạt ngoài trời và cắm trại dã ngoại, đặc biệt có trò chơi cảm giác mạnh dành riêng cho giới trẻ nhất là sinh viên học sinh với đội ngũ huấn luyện viên hướng dẫn và tập luyện trước khi chơi, tạo cảm giác an toàn cho khách mỗi khi tham gia trò chơi.

Du khách tới Bò Cạp Vàng còn được thưởng thức các món ăn miệt vườn, dân dã với giá cả rẻ, ngon lạ như bò cạp lăn bột chiên bơ, cá lóc nướng trui, thỏ nướng mọi, đặc biệt là món gà nướng thố đất với hương vị thơm ngon, đậm đà chất dân dã...


 

 
Điểm du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng ngày càng được nhiều người biết đến, du khách đến đây ngày càng đông, thương hiệu Bò Cạp Vàng đã dần trở thành cái tên quen thuộc của du khách trong các dịp lễ, tết mà ở đó có những tên gọi khác nhau như: Bằng Lăng Tím, Đảo Hoa Gió, Hương Đồng, Dòng Sông Xanh, Đảo Dừa Lửa…

Điểm du lịch sinh thái Vườn Xoài: Cách TP.HCM hơn 30km nhưng Vườn Xoài thật lạ lẫm với rừng, sông suối, ao hồ, đồng ruộng và đậm nét dân tộc các vùng miền Việt Nam. Với hệ thống ao hồ rộng 7 ha phục vụ thú câu cá tao nhã; thuyền độc mộc cùng hệ thống ngôi nhà gỗ cổ kính, trầm tư... với một rừng xoài cát xanh men theo con suối tự nhiên róc rách quanh năm, bạn có thể tự thuê ngựa cưỡi xuyên qua đồng cỏ mênh mông để cùng đùa giỡn và chụp hình cùng... gấu.

Bạn cũng có thể chơi đùa với hổ con, xem công, nhím, kỳ đà, trăn, heo rừng và các loài thú tự nhiên khác. Hoặc bạn cũng có thể trải nghiệm cảm giác làm “anh Hugo” bằng cách cưỡi trên lưng đà điểu Châu Phi, sau đó ăn bánh xèo trứng đà điểu. Ở khu vực đầm lầy với khoảng 2.000 con cá sấu, tiếng táp mồi và hàm răng sắc nhọn của chúng giúp bạn nếm trải cảm giác châu Úc hoang dã.

Điểm du lịch sinh thái Làng Bưởi Tân Triều: Không chỉ níu chân du khách bởi phong cảnh sông nước hữu tình, mà còn bởi hương vị bưởi đặc sản của xứ Đồng Nai, nơi đây thích hợp với các hoạt động dã ngoại, picnic, tận hưởng cảm giác êm đềm của một vùng quê ven sông.

Du khách như lạc vào vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, được thưởng thức những món ăn bình dân nhưng chỉ có nơi này mới có như gỏi bưởi, mứt bưởi, nem bưởi…

Vườn quốc gia Cát Tiên: Mang trong mình đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới thường xanh của các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Nằm trên địa bàn của 03 tỉnh (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng), nhưng diện tích chủ yếu bao phủ trên địa bàn Đồng Nai. Nam Cát Tiên chính là kho báu mà thiên nhiên ban tặng cho Đồng Nai với quang cảnh hoang sơ mời gọi du khách đặt chân, tham quan, khám phá và trải nghiệm. Cát Tiên sở hữu nhiều dạng sinh cảnh như rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp; rừng nửa rụng lá nguyên sinh và thứ sinh trên đất thấp, đất ngập nước ngọt và trảng cỏ ngập nước theo mùa; rừng ngập lụt và các kiểu sinh cảnh thứ sinh như rừng tre nứa, trảng cỏn và hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Đánh thức giác quan chính là những gì mà du khách cảm nhận, được dẫm chân lên thảm lá, tai nghe chim hót ríu rít, tiếng suối róc rách, tiếng ào ào của thác đổ, tận tay cảm nhận những thân cây to mấy người ôm không hết, cây Tùng 400 năm tuổi, những rễ cây trồi lên mặt đất cao hơn cả người, tận mắt chứng kiến đời sống hoang dã của những chú cá sấu, những chú chim, hươu, nai, xem thú vào ban đêm, Cát Tiên thực sự là điểm đến mời gọi những du khách trót mê loại hình du lịch sinh thái Rừng.

Lướt qua một số khu, điểm du lịch sinh thái cũng đủ nhận thấy đây chính là thế mạnh của du lịch tỉnh, cần đẩy mạnh đầu tư kết hợp với du lịch tham quan di tích lịch sử, làng nghề… Đồng Nai là tỉnh có tiềm năng về du lịch nhưng đang đối đầu với những khó khăn về địa thế vị trí và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Nằm khá gần các trung tâm du lịch lớn, nổi tiếng của cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng nên lượng khách tới tham quan còn hạn chế. Mặt khác, đối tượng khách du lịch vào Đồng Nai chỉ là du lịch ngắn ngày nên những dịch vụ về ăn ở, nghỉ qua đêm còn tương đối ít và chưa đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để vượt qua những khó khăn trước mắt, đưa Đồng Nai đến được với du khách trong và ngoài nước. Điều này đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư đúng mức. Điển hình là một số dự án khu du lịch sinh thái như dự án khu du lịch sinh thái Ông Kèo, khu du lịch sinh thái Sơn Tiên, khu du lịch Ngã ba Bà Hào, mở rộng tuyến du lịch trên sông Đồng Nai với một số điểm du lịch mới, kết nối với tour du lịch trên sông từ thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, có khả năng kết nối với Bình Phước mở rộng tour du lịch xuyên Á (Việt Nam - Lào - Campuchia). Hy vọng từ những bước chuyển mình trên, du lịch Đồng Nai với thế mạnh du lịch sinh thái sẽ phát triển hơn trong những năm không xa.

 

Nét uy nghiêm cổ kính của nhà thờ Đức Bà

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ, TỪ LÂU ĐÃ TRỞ THÀNH NIỀM TỰ HÀO CỦA NGƯỜI DÂN TP. HỒ CHÍ MINH VỚI KIỂU KIẾN TRÚC ĐỒ SỘ VÀ ĐẸP, ĐƯỢC MÔ PHỎNG THEO NHÀ THỜ NOTRE DAME CỦA PARIS. VỚI CHIỀU DÀI 93M, RỘNG 35,90M, CAO 57M, NHÀ THỜ ĐỨC BÀ VỪA CỔ KÍNH VỪA NGUY NGA TRÁNG LỆ.

Về mặt kiến trúc, tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn của nhà thờ Đức Bà đều tuân thủ theo kiểu kiến trúc Roman và Gothic. Các cột chịu lực chính được xây bằng các tảng đá lớn; các ô cửa hoa, khung cửa... được xây bằng đá phấn màu trắng (một loại đá rất mềm dùng trang trí cho tường gạch hồng).
 


 
Đặc biệt, nhà thờ Đức Bà có một bộ chuông lớn gồm 6 quả, chế tạo tại Pháp, và được kiến trúc sư Bourard đưa sang Sài Gòn vào tháng 5/1879. Bộ chuông nặng khoảng 30 tấn (kể cả hệ thống đối trọng), tên gọi được đặt theo các nốt nhạc sol, la, si, đô, rê, mi. Khi xây nhà thờ, gác chuông không có mái. Năm 1885, kiến trúc sư Gardes đã thêm mái chóp vào để che gác chuông với tổng chiều cao tính từ đất là 57m. Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rơ-le điện. Khi đổ cùng lúc sáu chuông, tiếng chuông vang xa trong phạm vi chừng 10km.

Điều đặc biệt nữa là trong nhà thờ Đức Bà không có chỗ cho nến. Toàn bộ đèn - có từ khi nhà thờ xây dựng xong - đều dùng điện. Nhà thờ khá rộng, có sức chứa tới 1.200 người. Bên trong có hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang được chia thành nhiều khoang; mỗi khoang đều có những bàn thờ nhỏ cùng các bệ thờ và tượng thánh làm bằng đá trắng khá tinh xảo...

Đứng từ bàn thờ chính của nhà thờ nhìn về phía trên cửa chính, sẽ thấy một “gác đàn”, nơi đặt cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất hiện nay ở nước ta. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, khi đàn, âm thanh phát ra đủ cho cả nhà thờ nghe thấy, không nhỏ mà cũng không ồn. Ước lượng phần thân đàn cao 3m, rộng 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm, đường kính khoảng một tấc.

Phía trước nhà thờ là bức tượng Đức mẹ Hoà Bình bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Tượng Đức mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, phía trên có đính cây thánh giá, mắt Đức mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Trên bệ đá, phía trước bức tượng người ta gắn một tấm bảng đồng với hàng La ngữ: REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX (NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17/02/1959). Một chi tiết mà hiện nay rất ít người biết, kể cả các linh mục của nhà thờ này. Đó là khi dựng bức tượng, người ta đã đục một cái hốc ở trên bệ đá chỗ giáp với chân tượng Đức mẹ, và đặt vào trong cái hốc đó một chiếc hộp bằng bạc. Trong chiếc hộp đựng rất nhiều những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới được viết lên trên những lá vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da, và đồng. Những lời cầu nguyện này được gửi tới từ nhiều miền của đất nước.



 
Tồn tại hơn một thế kỷ, với vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, nhà thờ Đức Bà là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử và nghệ thuật cao, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một điểm tham quan thú vị mà bất kỳ ai đến TP. Hồ Chí Minh cũng muốn ghé thăm.

Toàn bộ chiều dài thánh đường là 93 m. Chiều ngang nơi rộng nhất là 35 m. Chiều cao của vòm mái thánh đường là 21 m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người. Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang và kế đó là nhiều nhà nguyện với những bàn thờ nhỏ cùng các bệ thờ. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng hài hòa, thánh đường mang một cảm giác an lành và thánh thiện. Vào ban đêm, thánh đường được chiếu sáng bằng điện.


Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau. Trung tâm của công viên là bức tượng “Đức Mẹ hòa bình” do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Bức tượng cao 4,6 m, nặng 8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho thế giới được hoà bình.

Nhà thờ Đức Bà như một cái gạch nối nhẹ nhàng giữa cuộc sống đô thị và đời sống tâm linh. Các cặp vợ chồng mới cưới có thể chụp ảnh bên nhà thờ ở nhiều góc độ với những hoạ tiết kiến trúc đẹp. Cuộc sống diễn ra thường ngày rất tự nhiên. Sáng sớm là hình ảnh đàn chim bồ cầu dưới nắng, chiều tà là lúc phụ huynh đón con giờ tan học bên đường, tối đến có thể bắt gặp người mua thiệp đem đi tặng cho nhau một niềm vui.

Mặc dù nhà thờ Đức Bà đã trải qua trên trăm năm tuổi nhưng ngày nay nó vẫn tồn tại như một di tích sống minh chứng cho sự tư do tín ngưỡng của đất nước. Khách tham quan nước ngoài và trong nước không thể không đến nơi đây, đặc biệt là vào đêm Noel khu vực nhà thờ và trung tâm thành phố biến thành một khu vực lễ hội tưng bừng.

 

Đồng Tháp: Chùa Kiến An Cung công trình nghệ thuật thú vị

KIẾN AN CUNG, TỤC GỌI LÀ CHÙA ÔNG QUÁCH, LÀ MỘT NGÔI ĐỀN TỌA LẠC TẠI TRUNG TÂM THÀNH PHỐ SA ĐÉC, ĐỐI DIỆN VỚI CON RẠCH CÁI SƠN. ĐỀN ĐƯỢC XÂY TỪ NĂM 1924 ĐẾN NĂM 1927 BỞI NHỮNG NGƯỜI HOA TỪ PHÚC KIẾN. 

 

 
Chùa mang đậm nét kiến trúc Trung Quốc, với tổng thể là hình chữ Công (工) gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện thì rộng hơn. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói. Ngói được lợp theo gợn sóng rồng, trải nền cho những ngọn sóng cong vút lên cao, tạo mái ngói theo kiểu "ngũ hành". Mỗi đầu ngọn sóng là một cung điện thu nhỏ, bao gồm có 6 cung điện. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn. Trên những bức tường của chùa là những hình ảnh trong Tây du kí, Tam Quốc Diễn Nghĩa,... Phía cổng vào là hai con Kì Lân bằng đá xanh rất lớn, phía trên là tấm hoành phi sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Chùa Kiến An Cung hay còn gọi là chùa Ông Quách tọa lạc tại  trung tâm thị xã Sa Đéc. Đây là công trình văn hoá đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Chùa khởi công xây dựng từ năm Giáp Tý (1924) khánh thành năm Đinh Mậu (1927) do nhóm nguời Hoa ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) định cư tại Sa Đéc xây dựng để thờ cúng tổ tiên và dạy dỗ con cháu.
 


 
Đến với di tích này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc độc đáo, lộng lẫy và trang trọng. Chùa được xây theo kiểu chữ “Công” uy nghi, bề thế, gồm 3 gian, trong đó gian giữa rộng nhất là điện thờ. Toàn bộ chùa không có kèo, chỉ có đòn tay ráp mộng lại chịu lực trên những cột gỗ tròn làm trụ.  Mái ngói được làm rất công phu, gồm 3 lớp : mặt trên là ngói, mặt giữa là gạch, cuối cùng là ngói.

Trước cửa chánh điện có hai con kỳ lân bằng đá xanh to lớn, miệng ngậm trái châu, chạm khắc tinh xảo. Hai bên tả, hữu là 2 vị thần Thiện – Ác. Bước vào bên trong là sân lộ thiên nhỏ để dành làm chỗ cúng tế theo cổ tục. Những cột lớn trong chánh điện, các tấm hoành phi, bao lam, đối liễn đều được chạm trổ hoa lá, chim muông lộng lẫy, tôn nghiêm. Chánh điện chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường), Ngọc Hoàng Thượng Đế. Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách). Hằng năm chùa có 2 ngày lễ tế : ngày 22/2 và ngày 22/8 âm lịch. Mỗi 3 năm có thiết lập trai đàn, cúng cầu siêu cho bá tánh quá vãng và cầu cho quốc thới dân an.

Trăm nghe không bằng một thấy, nếu có dịp về Đồng Tháp, mời bạn đến viếng chùa Kiến An Cung để tận mắt chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo, một nghệ thuật chạm khắc tinh vi.
Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22-2 Âm lịch và 22-8 Âm lịch đón tiếp nhiều khách thập phương.
Với lối kiến trúc mang đậm phong cách Trung Hoa, với một nền văn hóa truyền thống đặc sắc, Kiến An Cung đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 27-4-1990.

 

Điều hấp dẫn cho "du lịch theo tour"

(Mytour.vn) - Ai cũng mong được đi du lịch theo kiểu tự do cho thoải mái với sở thích của mình, tuy vậy du lịch theo tour cung không kém hấp dẫn riêng biệt mà nhiều điều bạn đi du lịch còn chưa được khám phá.

1. Những người bạn mới

 

Không phải ai cũng tự tin để kết bạn trên đường du lịch “bụi”, vì vậy, các tour tạo cho bạn môi trường dễ dàng nhất để kết bạn ngay lập tức. Bạn thường xuyên phải ăn chung, đi chung đường với những người cùng đoàn và đương nhiên cũng sẽ có nhiều chủ đề để mở đầu câu chuyện hơn. 

 

Du lịch theo tour và những điều hấp dẫn

 

2. Các tour dạy bạn cách du lịch đúng nghĩa

 

Các hướng dẫn viên du lịch là những người thường xuyên đi lại tại các điểm tham quan và họ có kiến thức rất sâu rộng về lĩnh vực này. Đi cùng họ trong một đoàn, bạn sẽ hiểu được các du lịch đúng nghĩa với nhiều trải nghiệm mà người thường khó có được như: cách tránh bị lửa đảo, nơi bán đồ ăn ngon nhất, các kỹ năng khi gặp vấn đề khó khăn… Những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn rất nhiều trong các chuyến du lịch tự thân sắp tới. 

 

Du lịch theo tour và những điều hấp dẫn

 

3. Chọn tour du lịch giảm thiểu nỗi lo lắng

 

Du lịch một mình, du lịch không kế hoạch đầy ngẫu hứng nhưng cũng tạo nên không ít lo sợ vì bạn không biết ngôn ngữ địa phương, chưa dự phòng cho các tình huống xảy ra, chưa có đủ kiến thức về nơi mình tới. Khi đi theo tour, bạn yên tâm hơn rất nhiều vì đã có người chuẩn bị trước cho bạn mọi đường đi, nước bước và bạn chỉ việc hưởng thụ trong suốt chuyến đi. 

 

Du lịch theo tour và những điều hấp dẫn

 

4. Một số nơi chỉ có thể tiếp cận dưới hình thức đi tour

 

Ở một số điểm du lịch trên thế giới, bạn không thể tiếp cận nếu đi một mình do chính quyền địa phương chỉ cho phép từng nhóm tour tham quan, điển hình là các bãi du lịch, khu bảo tồn ở châu Phi. 

 

Du lịch theo tour và những điều hấp dẫn

 

5. Đôi khi giá tour rẻ hơn so với du lịch “bụi”

 

Giá một số tour du lịch đôi khi còn rẻ và cố định hơn so với đi phượt. Đó là vì khi du lịch tự thân, bạn không biết chính xác được số tiền mà mình phải chi và các phí phát sinh trên đường đi như thế nào. 

 

Du lịch theo tour và những điều hấp dẫn

 

6. An toàn hơn

 

Khi đi du lịch theo tour mà vướng vào những tình huống khó khăn, bạn biết phải gọi cho ai để nhờ sự giúp đỡ. Khi bạn bất ngờ vắng mặt, bạn cùng đoàn tour, hướng dẫn viên du lịch nhất định sẽ nhận ra và đi tìm hay trình báo cơ quan chức năng để đảm bảo sự an nguy của bạn.

 

 

Mytour.vn (Theo Xzone)

 

Yên Bái - Vẻ đẹp hoang sơ của thác Kiên Thành

TỪ TRUNG TÂM XàKIÊN THÀNH (TRẤN YÊN) ĐI KHOẢNG 3KM VỀ BẢN ĐỒNG RUỘNG, TRƯỚC MẮT DU KHÁCH SẼ HIỆN RA DÒNG THÁC ÀO ÀO TỪ TRÊN CAO ĐỔ XUỐNG VỚI NHỮNG BỌT NƯỚC TRẮNG XÓA. VẺ ĐẸP TỰ NHIÊN NƠI ĐÂY LÀM RUNG ĐỘNG HÀNG TRIỆU CON TIM DU KHÁCH.

Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ bản Đồng Ruộng đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng trên 30m. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Kiên Thành tựa như một bức tranh thủy mặc giữa núi rừng hoang sơ.

 
 
 

Những ngày nắng nóng, có hàng trăm lượt du khách từ khắp nơi đổ về thăm quan và trầm mình xuống dòng nước trong xanh, mát lạnh. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên đỉnh thác, hơi nước lấp lửng khiến thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng.

Khu vực chân thác, khí hậu trong lành, mát mẻ, lý tưởng cho những chuyến dã ngoại trong ngày, nước chảy êm đềm trên những mảng rong xanh sẽ để lại ấn tượng cho ai đã từng đến đây và thả hồn theo dòng nước.
 
Thác Kiên Thành là một địa chỉ hấp dẫn cho những ai yêu thiên nhiên hoang dã và muốn tìm hiểu về đất và người Kiên Thành.

 

Tây Yên Tử - Điểm đến hấp dẫn cần khám phá

NẰM TRONG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN TÂY YÊN TỬ, CÁCH HÀ NỘI KHOẢNG 150 KM VỀ PHÍA ĐÔNG BẮC, RỪNG NGUYÊN SINH KHE RỖ THUỘC XÃ AN LẠC, HUYỆN SƠN ĐỘNG LÀ KHU RỪNG NGUYÊN SINH TIÊU BIỂU CỦA CẢ VÙNG ĐÔNG BẮC VIỆT NAM. KHU RỪNG CẤM CÓ DIỆN TÍCH 7.153HA, TRONG ĐÓ DIỆN TÍCH RỪNG TỰ NHIÊN LÀ 5.092 HA VỚI HỆ THỐNG ĐỘNG, THỰC VẬT PHONG PHÚ.

Dấu ấn vua Trần

Từ ngã tư Đông Triều – Quảng Ninh chúng tôi rẽ vào con đường bê tông bên trái chạy thẳng tắp đến tận chân núi. Giữa cảnh đất trời bao la, đập Trại Lốc hiện ra mênh mông phẳng lặng. Bóng người buông câu đang ngồi lặng im đợi tăm cá giữa cảnh sắc sơn thủy hữu tình.


 
 
 
 
Vùng đất này chính là nơi an nghỉ của tám vị đế vương triều Trần. Ngay giữa đập Trại Lốc là khu lăng mộ của Trần Minh Tông và Trần Anh Tông (tức Mục Lăng và Đồng Thái Lăng). Lăng mộ của các vị vua Trần ở đây đều mới được chính quyền xây dựng lại và bị ngập nước. Để ra viếng lăng khách phải thuê thuyền của những ngư dân gần đó.

Cũng trên con đường chạy thẳng về phía chân núi cả đoàn đã có phút dừng chân bên lăng của vua Trần Hiến Tông. Người dân địa phương cho biết, trong tám vị vua Trần có lăng mộ ở An Sinh thì chỉ có vua Hiến Tông là được an nghỉ trong quần thể hoành tráng đầy đủ nhất. Khu vườn tượng quanh lăng đã khắc họa nên phần nào vẻ đẹp điêu khắc và những giá trị văn hóa đặc trưng của vương triều Trần cách đây bảy, tám thế kỷ.

Tạm biệt những lăng mộ vua Trần dưới chân núi chúng tôi lại lên đường tìm đến am Ngọa Vân, nơi sử sách ghi chép rằng chính là chỗ Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch.Đường lên am Ngọa Vân còn khá xấu, có những lúc xe của chúng tôi đã thực sự phải đầu hàng. Gửi xe bên đường xong, mọi người đi bộ thêm vài cây số mới thấy thấp thoáng bóng tượng Phật hiện ra trên đỉnh núi.



Am Ngọa Vân bình dị với những mộ tháp rêu phong hiện ra trong tiếng mõ chiều. Không còn thời gian để quay xuống, cả nhóm quyết định ở lại trong am xin bữa cơm chay để ngày mai tiếp tục một hành trình mới.

Vẻ đẹp núi rừng

Nếu khung cảnh phía đường bên Đông Triều làm người ta như lạc vào chốn xưa thanh tịnh thì hành trình sườn núi phía Lục Nam, Sơn Động –Bắc Giang lại cho du khách những cảm giác rất khác biệt. Trên đỉnh núi Phật Sơn nơi có am Ngọa Vân, từ xa xa chúng tôi đã thấy những thảm cỏ xanh tươi và tiếng suối chảy róc rách.

 
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử chào đón chúng tôi vào đúng lúc cơn mưa rào xuất hiện. Nhưng thật lạ lùng, mưa chỉ mươi, mười lăm phút rồi ánh nắng chói lọi lại chiếm ngự bầu trời.Mọi người lại cùng nhau đi tìm thắng cảnh suối Nước Vàng và thác Giót. Một lần nữa đoàn xe máy phải ì ạch vượt qua những con suối cạn đá lởm chởm, men theo những con đường đất đỏ lầy lội sau cơn mưa rừng.

Rồi bỗng nhiên mọi người hò reo vì trước mắt đã dần hiện ra một dòng nước có màu vàng óng như mật ong. Không tin vào mắt mình, ai nấy lội xuống suối thì quả thực nước có màu vàng trong như mật ong chứ không phải bị đục do bùn đất. Men theo dòng suối vàng chảy từ đỉnh Phật Sơn xuống, chẳng mấy chốc chúng tôi đến thác Giót.

Từ trên cao vút, những tia nước ào ào đổ xuống trắng xóa làm cho cảnh vật núi rừng xanh thẳm vắng lặng được tô thêm màu và thêm cả âm thanh. Chẳng còn ngần ngại gì nữa, du khách đã tới được đây đều hòa mình vào dòng nước trong xanh, mát rượi để tự thưởng cho mình sau một hành trình vất vả nhưng nhiều điều thú vị.

Do đặc trưng địa hình núi cao, khí hậu trong lành, mát mẻ của khu rừng nguyên sinh, những suối nước trong mát, thích hợp cho những chuyến picnic, leo núi khám phá khu rừng nguyên sinh. Đặc biệt, trong Khe Rỗ có 2 con suối lớn và rất đẹp. Một là suối nước Vàng quanh năm như mật ong, những viên đá nổi lên đủ màu sắc, kích cỡ; một là Khe Đin chảy dài với những đoạn thác cao đến 3, 4 tầng mỗi tầng khoảng 30-40m. Nơi những thác nước đổ xuống là những vũng nước trong vắt nhìn thấu đáy như: vũng tròn, vũng soong...thích hợp cho bơi lội hay tắm mát.

Đến với Khu bảo tồn Tây Yên Tử là về với thiên nhiên, hòa mình trong bầu không khí trong lành và cảm nhận từng nhịp sống vừa nguyên sinh nhưng cũng rất thú vị và bí ẩn. Đến nơi đây không thể không thể bỏ qua khu Rừng nguyên sinh Khe Rỗ giàu giá trị thiên nhiên. Những phút giây thư thái, những cảm giác sảng khoái sẽ mang chúng ta về gần với thiên nhiên hơn, và chỉ khi đó cảm nhận về thiên nhiên mới chân thật và thuần túy.

Ngoài Khe Rỗ, Sơn Động còn có khu du lịch sinh thái Đồng Thông thuộc tuyến du lịch Tây Yên Tử - một tuyến du lịch trọng điểm đang được tỉnh Bắc Giang tập trung quy hoạch và xây dựng. Khu du lịch Đồng Thông cũng là nơi bảo tồn  nhiều loài động vật quý hiếm, ngoài ra, đây còn là điểm dừng chân cho du khách trước khi chinh phục đỉnh Phù Vân Yên Tử từ phía Tây.

Để đánh thức tiềm năng to lớn mà thiên nhiên ban tặng, hiện nay UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt dự án đầu tư trên 2.700 tỷ đồng cho việc cải tạo, nâng cấp và làm mới hệ thống giao thông từ thành phố Bắc Giang đấu nối với tỉnh lộ 293 đi qua huyện Yên Dũng, huyện Lục Nam  và Sơn Động đây là điều kiện thuận lợi mở ra cho Bắc Giang phát triển mạnh du lịch văn hóa tâm linh và sinh thái tuyến Tây Yên Tử.

 

Nhiều cổ vật quý hiếm được phát hiện tại Hà Tĩnh

Tại Hà Tĩnh vào ngày 2/7 vừa qua đã được phát hiện nhiều cổ vật quý hiếm trên địa bàn huyện Nghi Xuân. nhóm cán bộ của bảo tàng đã phát hiện nhiều bộ sưu tập hiện vật, cổ vật cổ, quý hiếm bằng chất liệu gốm sứ có niên đại khoảng từ thế kỷ 14-15.

Những hiện vật, cổ vật này thuộc nhiều loại hình khác nhau, bằng các chất liệu gốm, sứ cổ được chế tác theo phương pháp thủ công truyền thống. Trong đó bộ sưu tập bát, đĩa cổ chế tác theo kiểu dáng đế chụm, miệng loe, phủ men màu ngọc và nâu, nước men mịn sáng bóng, mang phong cách đặc trưng thời Trần và thời Lê.

 
Chiếc bát cổ niên đại thời Lê


Đặc biệt, có chiếc bát bằng chất liệu gốm, phủ men ngọc, kích thước đường kính miệng 25cm, đường kính đế 15cm, cao 20cm. Miệng bát được trang trí hai vòng tròn gờ nổi đồng tâm khép kín. Theo nhận định, đây là chiếc bát cổ thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước tới nay được phát hiện trên địa bàn Hà Tĩnh. Một chiếc bát cổ niên đại thời Lê, chiều cao 10cm, đường kính miệng 20cm, đường kính đế 10cm, phía trong lòng bát được phủ một lớp men mịn bóng, màu trắng đục, phía ngoài bát một bên trang trí các họa tiết hoa văn hình phong cảnh, một bên viết các chữ hán cổ, màu xanh lam, ở phía dưới đế bát có 4 chữ hán cổ ghi niên đại: Thành Hóa niên chế (niên hiệu Thành Hóa 6, triều vua Lê Thánh Tông (1460 - 1467) nhà Lê.

 
Chiếc Thạp cổ thời Trần


Ngoài ra, còn phát hiện 2 chiếc Thạp cổ thời Trần bằng chất liệu gốm sứ màu trắng đục, men rạn. Phía trên núm Thạp chạm nổi họa tiết hoa văn hình cánh sen cách điệu. Thạp có kích thước cao 24cm, đường kính miệng 16cm, đường kính đáy 14cm.

Theo đánh giá bước đầu của cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, đây là những bộ sưu tập hiện vật, cổ vật quý hiếm sẽ giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ học tìm hiểu thêm về địa bàn phát hiện và phân bố các di chỉ khảo cổ học liên quan đến các thời kỳ lịch sử trong giai đoạn Lý - Trần - Lê trên địa bàn huyện Nghi Xuân, cần được sưu tầm, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu…