Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Chùa cổ Hồ Thiên – Quảng Ninh

Chùa Hồ Thiên nằm ở sườn núi Phật Sơn thuộc dãy núi Yên Tử, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa Hồ Thiên huy hoàng trong lịch sử đến nay chỉ còn là phế tích, nhưng khu thánh địa linh thiêng nguyên sơ này đang được tích cực tôn tạo, nhằm trả lại những giá trị vốn có.

 
 Theo văn bia trùng tu (trùng tu Trù Phong bi) có niên đại Vĩnh Hựu thứ hai, triều Lê (Lê Ý Tông - 1736) còn lưu giữ tại chùa, có ghi: "Chỉ có nhà Trần xưa vốn tôn sùng đạo Phật, từng mở núi san nền nơi đây, xây tam cấp, dựng bảo tháp năm tầng. Hệt như phép màu cất cánh bay lên, rõ ràng vẻ đẹp hùng vĩ. Trải bao sương gió, nền móng vững bền mà biếc vàng lộng lẫy". Qua tư liệu trên cho thấy Chùa Hồ Thiên có lịch sử khởi dựng từ thời Trần, tuy nhiên không có thời gian tuyệt đối chính xác là dựng vào năm nào.
 



 
Ngôi chùa tọa lạc trên núi Phật Sơn, nơi mà theo các nhà phong thuỷ là có địa thế “long chầu, hổ phục” rất đắc địa. Sư trụ trì chùa Hồ Thiên là Tỷ kheo Thích Đạt Ma Trí Thông cho biết: “Khu chùa tựa vào đỉnh núi Phật Sơn, cho nên suốt cả mùa đông không hề có ngọn gió bấc nào thổi vào được...”. Nhà sư còn giải thích: “Chữ hồ trong Hồ Thiên tự không phải là ao, mà mang nghĩa “quần tụ”. Hồ Thiên là sự quần tụ trên trời...”.

Sách Đại Nam nhất thống chí có đoạn: “...Pháp Loa dựng Viện Quỳnh Lâm và các Am Hồ Thiên, Chân Vạc...". Như vậy,chùa Hồ Thiên chắc chắn là được dựng vào giai đoạn kể từ khi Đệ Nhị Tổ Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Đệ Nhất Tổ cho đến cuối đời (1307-1330). Như vậy, di tích chùa Hồ Thiên là một trong những di tích cùng thời có liên quan đến hàng loạt các di tích thời Trần gắn với Trúc Lâm Tam Tổ ở Quảng Ninh như chùa Yên Tử, chùa Ngoạ Vân và chùa Quỳnh Lâm.




 
Hiện nay di tích còn lại ba lớp nền bó vỉa bằng đá cuội, mỗi lớp là một bậc lên cao, cách nhau 1,50m. Riêng mặt bằng trên cùng còn nguyên các bệ đá kê chân cột, mỗi bệ có đường kính chân cột từ 60-65cm. Kích thước bệ, cạnh vuông ngoài từ 80-90cm, xung quanh chạm hình cánh sen cách điệu, có những tảng đá kê liền nhau, sắp xếp theo vị trí kiến trúc cột cái, cột con. Đặc biệt, hệ thống hành lang rất rộng, quy mô đồ sộ, bên cạnh là một thống đá có chiều cao 70cm, đường kính đáy 70cm, đường kính miệng 83cm, thành dày 0,8cm. Xung quanh chùa còn một hệ thống tháp đá, tháp gạch, nhiều tháp đã bị đổ vỡ. Phần còn lại cho thấy hầu hết các tháp đều mang dấu ấn  nghệ thuật thời Lê. Cách nền trên cùng khoảng 50m về phía bên phải, có một ngôi chùa cửa vòm cuốn xây bằng đá. Cửa thứ hai mở vào một nhà bia được ghép hoàn toàn bằng những phiến đá lớn bào nhẵn, xẻ mộng có răng lắp khít, được trang trí bằng các mô típ hoa văn sinh động. Giữa nhà bia là một tấm bia lớn, xung quanh trang trí rất tỉ mỉ. Trán bia có dòng chữ: "Ký bi tự phong thọ", niên hiệu của bia là: "Hoàng triều Vĩnh Hựu vạn niên nhị tuế", do Trịnh Giang soạn.

Di tích chùa Hồ Thiên được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá theo Quyết định số 55/2006/QĐ-BVHTT, ngày 29/5/2006
Chùa Hồ Thiên, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh - Di tích Lịch sử Văn hoá - Xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 55/2006/QĐ-BVHTT, ngày 29/5/2006 của Bộ Văn hóa Thông tin.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét