Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Ngũ Hành Sơn

Ngũ Hành Sơn thắng cảnh nổi tiếng mà bất cứ du khách nào khi đi du lịch Đà Nẵng không thể bỏ qua. Một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng nằm cách trung tâm thành phố khoảng 8 km về hướng nam. Giữa đồng bằng giáp biển mọc lên 5 ngọn núi không quá lớn, như một bàn tay khổng lồ nâng đỡ vùng đất này.

Ngũ Hành Sơn được bao bọc quanh mình rất nhiều những huyền thoại khác nhau. Không gian thơ mộng của cảnh trí và vẻ bãng lãng cổ tích của những câu chuyện cổ đã mang lại cho Ngũ Hành Sơn  một sắc thái thần tiên mà ít nơi nào có được.
 
 
ngu hanh son Ngũ Hành Sơn
 
 
Theo truyền thuyết của người Chăm, thuở xa xưa có một ẩn sĩ sống giữa bãi cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, ẩn sĩ thấy Nữ Thần Naga xuất hiện, mang theo một cái trứng, giao cho Thần Kim Quy cất giữ ngả phía sông Hàn để trừ khử sự quấy nhiễu của ma quái. Thần Kim Quy để quả trứng lại nhờ ẩn sĩ chăm sóc, và tặng ẩn sĩ một móng rùa để bảo vệ trứng. Dưới sự bảo vệ của ẩn sĩ, quả trứng ngày càng lớn nhanh một cách kỳ dị. Một hôm, sau giấc ngủ say, ẩn sĩ tỉnh mộng và nhìn thấy một thiếu nữ xinh đẹp  từ trong trứng bước ra, vỏ trứng nứt làm 5 mảnh, trở thành 5 trái núi, là Ngũ Hành Sơn ngày nay. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn Thần Kim Quy chở ẩn sĩ biến lên trời.
 
Gần 200 năm trước, Vua Minh Mạng đã từng vi hành đến đất này. Ông du ngoạn, thưởng lãm khắp các danh thắng và đặt tên cho núi, cho các hang động, chùa chiền. Không ai biết những cái tên: Ngũ Hành Sơn, Huyền Không, Hóa Nghiêm, Lăng Hư, Tàng Chân, Vân Nguyệt, Thiên Long… đã làm nhà vua phải suy nghĩ mất bao nhiêu thời gian.
 
 
 
Ngũ Hành Sơn huyền ảo
 
Đến Ngũ Hành Sơn, du khách thường đến ngọn núi lớn Thủy Sơn. Rồi đến chùa Tam Thai hay chùa Linh Ứng, tiếp  tục  lần lượt  ghé vào các hang động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông, động Lăng Hư, động Vân Nguyệt…
 
Chùa Tam Thai giống như “Sao Tam Thai” tức là 3 ngôi sao làm thành cái đuôi của chùm sao Đại Hùng Tinh. Khi đến Vọng Giang, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn thấy dòng sông Cẩm Lệ, dòng sông Hàn đẹp như tranh vẽ… Du khách từ vùng biển muốn lên thăm Linh Ứng phải bước lên khoảng 108 tầng cấp, nếu đến chùa Tam Thai nằm ở phía nam phải đi xa hơn những tầng cấp dài 156 bậc.
 
 
Chùa Tam Thai cổ kính
 
Hang động núi đá vôi Ngũ Hành Sơn không có nhiều thạch nhủ như Phong Nha ở Quảng Bình, nhưng lại có nhiều ngóc ngách khơi gợi trí tưởng tượng của du khách, được xem là Nam thiên danh thắng từ bao đời nay Ở động Quan Âm, nhiều thạch nhũ tạo ra những hình tượng Phật rất độc đáo, trong đó khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế âm Bồ tát rất hoàn hảo, đẹp hơn bất cứ pho tượng nào do thợ điêu khắc tạc nên. Trong động Quán Thế âm còn có bộ tam khí nhà Phật gồm chuông, trống, mõ bằng đá, đánh vào nghe vang âm.
 
Động Huyền Không là một trong những động lớn và đẹp nhất của ngọn Thủy Sơn và có thể nói rằng nếu ai đó đã từng đến Ngũ Hành Sơn mà chưa vào động Huyền Không thì coi như người đó chưa biết Ngũ Hành Sơn.
 
 
Bên trong Động Huyền Không
 
Trong đó, huyền bí nhất là động Âm Phủ thuộc ngọn Thủy Sơn. Trong dân gian, âm phủ là nơi để trừng phạt những người gây ra nhiều tội lỗi. Muốn vào động, khách phải qua cầu Nại Hà. Đây là nơi có nhiều thú dữ, rắn độc mà khi người hiền thì thong dong bước qua, còn người dữ thì luôn gặp trắc trở, có khi phải làm mồi cho thú dữ… Là hang động tự nhiên nhưng có điều lạ là động này có nhiều ngóc ngách đi sâu xuống lòng đất làm người ta liên tưởng đến các cửa ngục của đường xuống âm phủ. Vì thế, du khách đi vào đây sẽ thấy những cảnh giới của cõi âm, như: Đài Linh Anh, điện Phán Quy, điện Minh Vương, ngục A Tỳ, suối Giải Oan…
 
 
Đường vào động Âm Phủ
 
Đặc biệt, trong động này có một khu tái hiện lại tích xưa trong triết lý nhà Phật về đại hiếu tử Mục Kiền Liên. Ông là nhà sư tu luyện đắc quả nhưng chưa đủ sức để cứu mẹ siêu thoát vì bà lúc sinh thời đã gây nhiều tội lỗi. Vì vậy, ông nguyện trở lại trần gian tu hết kiếp này đến kiếp khác và độ người mẹ tội nghiệp của mình. 
 
Cuối cùng, ông tu luyện đã đủ phước để xuống tận địa ngục cứu mẹ. Vì thế, hàng năm có mùa Vu Lan báo hiếu để nhắc nhở người đời về lòng hiếu thảo qua tấm gương của đại hiếu tử Mục Kiền Liên. Và còn rất nhiều cảnh giới địa ngục dù là nhân tạo nhưng cũng đủ làm du khách phải suy nghĩ về cách sống của mình… Một điều gây thú vị cho khách là ngoài những ngóc ngách của cửa địa ngục, động Âm Phủ lại có một hướng đi lên, được gọi là đường lên thiên đàng. Khác với những lối đi tối om và rùng rợn, đường lên trời là một lối đi qua những bậc thang sáng choang ánh mặt trời. “Đỉnh trời” quay mặt về hướng Đông, nhìn ra biển mênh mông bát ngát.
 
Đặc Biệt khi du khách tới  Vọng Giang đài trên ngọn Thủy Sơn,có thể nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc trong hoàng hôn, hoặc đứng trên Vọng Hải đài dõi nhìn bãi cát cắt dọc theo chân sóng, phóng tầm mắt bao quát phong cảnh với mây bay gió thoảng, những làn sóng nhẹ xô đuổi vào bờ cát trắng. Chiều xuống, người người tấp nập ra tắm biển, hóng gió, từng tốp ngư dân nhẫn nại đẩy thuyền thúng ngoài khơi…, lòng người như đã giao cảm được với đất trời , bỏ quên sau lưng bao chuyện thế gian.
 
 
Ngũ Hành Sơn nhìn từ Vọng Giang Đài
 
 
Đến với Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian của những lễ hội, của phong cảnh hữu tình, của làng nghề nhộn nhịp…, mà còn có được một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bãi biển Non Nước. Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Cùng với Bà Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế giới.
 
Ngũ Hành Sơn làm cho du khách như rũ sạch bụi trần, thoát vòng tục lụy đi vào chốn bồng lai tiên cảnh. Bên cạnh, những giá trị văn hóa tâm linh đã góp phần làm nên sự kỳ ảo và hấp dẫn mà một khi đã đến bạn sẽ không thể nào quên.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét