Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

Các điểm đến đang lâm nguy trước làn sóng du lịch

Với 1.035 tỉ lượt người vác balô đi du lịch năm 2012, ngành du lịch thế giới đã thỏa lòng trong bối cảnh nền kinh tế còn muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, số lượt du khách ấn tượng này lại khiến một số điểm đến đang đối mặt với những tổn hại nghiêm trọng. Du khách chen chúc ở di tích cổ Machu Pichu.

Theo các nhà khoa học, sự nổi tiếng đã khiến rất nhiều di tích, công trình kiến trúc cổ xưa trên thế giới với nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đối với nhân loại đang bị đe dọa xóa sổ trong tương lai bởi làn sóng người không ngừng tràn ngập những nơi này.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức nhiều ý kiến cho rằng có thể phải cấm cửa du khách để cứu lấy những di tích đang lâm nguy! Và hiện nạn nhân của những thành công trong ngành du lịch có thể kể đến như:

Thành phố nước Venice (Ý), viên ngọc đang tỏa sáng trong bầu trời du lịch thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Vốn được xây dựng trên các cột nhà sàn, Venice thu hút khoảng 25 triệu du khách mỗi năm, trong khi dân số chỉ vỏn vẹn 60.000 người.

Số khách du lịch đông đảo khiến đội thuyền hoạt động ngang dọc suốt ngày đêm làm ô nhiễm các con kênh và tạo áp lực nước đối với các thành bờ.

Bên cạnh vấn nạn rác thải phát sinh từ số lượng du khách khổng lồ, Venice còn bị nạn ngập nước do triều cường đe dọa thường xuyên. Tình trạng nước biển dâng đã gây sụt lún đất ở thành phố này.

 

 

Tàu bè ngang dọc thành phố nước Venice - Ảnh voyages.orange.

 

 

Bến thuyền du lịch sát lâu đài Doges ở Venice - Ảnh: Slate

Đảo Bali nằm ở Ấn Độ Dương, một trong 33 tỉnh của Indonesia với phong cảnh hữu tình, khí hậu ấm áp quanh năm, tính hiếu khách ở dân địa phương, nền nghệ thuật phát triển cao... Hiện Bali là điểm đến du lịch lớn nhất Indonesia và là điểm đến ưa thích của du khách các nước, đặc biệt người phương Tây.

Gần 3 triệu du khách kéo đến Bali mỗi năm giúp đời sống kinh tế của khoảng 7 triệu dân địa phương khấm khá hơn, nhưng cũng gây ra vấn nạn cho sinh thái nơi đây. Trong đó, việc sử dụng nước ngọt, xử lý rác thải không phù hợp với môi trường của các khách sạn khiến thiên nhiên Bali đang dần bị hủy hoại.

Vấn nạn dễ thấy nhất là lượng khách ồ ạt đến với Bali kéo theo nguồn nước bị hao hụt. Theo dự báo, Bali có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng nước ngọt từ nay đến năm 2015...

 

 

Một điểm tham quan ở Bali tấp nập du khách - Ảnh: indosurflife.com

Đảo Phục Sinh rộng 164km 2 thuộc Chile nằm ở nam Thái Bình Dương, một hòn đảo đơn côi có 887 bức tượng bằng đá núi lửa hơn 500 năm tuổi, nặng từ vài tấn đến hàng trăm tấn, chiều cao 1,2-20m đứng xếp hàng hoặc nằm ngổn ngang không hàng lối trên đảo. Sự huyền bí cùng cảnh quan thiên nhiên khác lạ đã khiến đảo Phục Sinh là một trong những điểm quyến rũ du khách thế giới.

Nhưng theo các nhà khoa học, tác hại của sự ẩm ướt, nắng gió, khô hạn, các yếu tố tự nhiên đối với hòn đảo bí ẩn này không là gì so với tác động của hơn 65.000 lượt du khách ghé đảo mỗi năm. Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã áp dụng hạn ngạch trong việc đưa khách du lịch, người lao động hay cư dân đến đảo nhằm bảo tồn hệ sinh thái và di sản dễ bị tổn thương nơi đây.

 

 

Du khách tham quan đảo Phục Sinh - Ảnh: islandheritage.org

Phế tích Angkor ở Campuchia, một di sản của thế giới, đón hàng ngàn du khách mỗi ngày. Được trùng tu nhiều lần, thậm chí xây dựng lại các ngôi đền cổ mang đậm phong cách nghệ thuật kiến trúc Khmer đã khiến tiếng tăm của khu phế tích nằm giữa rừng cây này trở thành một điểm đến du lịch nổi trội của du khách châu Á lẫn châu Âu.

Bên cạnh những dòng du khách len lỏi bất tận trong các ngóc ngách của khu đền là những chiếc ôtô, taxi, xe buýt lưu thông xả khí thải độc hại vào khu vực đền. Sức ép của hàng triệu bước chân du khách trên những lối đi, các hình vẽ nguệch ngoạc trên tường và vô số khách sạn mọc lên sát cạnh là những "sát thủ" đang tác động tiêu cực từng ngày đến công trình kiến trúc ngàn năm này.

Việc sử dụng nước của du khách sẽ gây cạn kiệt nguồn nước ngầm, ảnh hưởng đến nền móng của các ngôi đền Angkor. Các công trình còn bị xuống cấp nhanh chóng do dòng du khách nối đuôi nhau làm trầy xước các trang trí kiến trúc. Du khách cũng góp phần gây xói mòn các ngôi đền ở Angkor.

 

 

Khách du lịch tràn ngập tại Phnom Bakheng, một ngôi đền nhỏ cổ nhất quần thể Angkor - Ảnh: greatmirror.com

 

 

Khách du lịch tràn ngập tại một điểm tham quan ở khu vực Angkor Wat - Ảnh: gluckman.com

Địa Trung Hải với bờ biển trải dài qua hàng loạt các nước thuộc ba châu lục là một trong những thiên đường du lịch hút khách nhất thế giới. Khí hậu ôn hòa, thiên nhiên đẹp như tranh cùng với nền văn hóa đa dạng đã khiến các bãi biển tuyệt đẹp nơi đây luôn đầy nghẹt dòng khách du lịch các nước.

Vùng biển Địa Trung Hải thu hút 220 triệu lượt du khách/năm và theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới, con số này sẽ đạt 350 triệu lượt khách trong vòng 20 năm tới.

Và theo Tổ chức Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), chính đám đông du khách này là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự xuống cấp của vùng ven biển và hệ sinh thái biển ở Địa Trung Hải. Khi phát triển cơ sở hạ tầng để đón khách du lịch, các nước nằm ven Địa Trung Hải đã chuyển đổi toàn bộ khu vực khiến các vùng tự nhiên bị đe dọa.

 

 

Du khách tràn ngập tại một bãi biển vùng Địa Trung Hải - Ảnh: voyages.orange.

 

Machu Picchu, "thành phố đã mất của người Inca" là một trong những điểm khảo cổ quan trọng nhất tại Nam Mỹ và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng nhất Peru.

Nằm chênh vênh trên một quả núi có chóp nhọn ở độ cao 2.438m so với mặt biển, đường đến thành phố cổ này vô cùng gian nan. Thế nhưng trong năm 2004, đã có hàng trăm ngàn người đặt chân đến Machu Picchu. Và kể từ đó đến nay, mỗi ngày cả ngàn du khách in dấu giày ở nơi lưu giữ phế tích của người Inca cổ này.

Thậm chí người ta còn lén lút mở các con đường mới dẫn đến Machu Picchu để giải quyết số du khách đến đây ngày càng đông.

Các nhà khoa học nhận định tình trạng du khách ùn ùn kéo đến đã khiến nền móng, cấu trúc các công trình tại Machu Picchu ngày càng suy yếu, trong khi vốn dĩ nơi đây đã chịu nhiều tác hại từ nạn phá rừng, lở đất... Vì vậy, Tổ chức UNESCO đang xem xét đưa Macchu Picchu vào danh sách các địa điểm di sản thế giới đang bị đe dọa.

 

 

Du khách chen chúc ở di tích cổ Machu Picchu - Ảnh: nbcnews.com

Đỉnh Everest cao 8.850m nằm ở biên giới Nepal và Tây Tạng, luôn trong tầm ngắm của du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm, bởi khuất phục được ngọn núi cao nhất thế giới cũng mang lại ý nghĩa chiến thắng thiên nhiên.

Mỗi năm có hàng trăm người chinh phục nóc nhà thế giới này và các công ty du lịch khai thác hành trình leo núi Everest luôn bở hơi tai trước nhu cầu của du khách bốn phương. Nhưng đằng sau "chiến thắng" đó, các nhà du lịch leo núi nghiệp dư đã biến Everest thành một... thùng rác lộ thiên, đặc biệt ở đường đèo phía nam, chặng đường bắt buộc để lên đến đỉnh Everest.

Khu cắm trại ở độ cao 5.000m trước khi du khách bước vào chặng cuối chinh phục Everest được đặt biệt danh "bô rác cao nhất thế giới"! Họ để lại đây toàn bộ rác thải, thậm chí cả trang thiết bị phục vụ cho việc leo núi. Khi tuyết tan, hình ảnh hùng vĩ của Everest bị xóa mờ bởi vô số rác thải vương vãi khắp nơi.

Nhiều chiến dịch dọn rác cho Everest được tổ chức. Chưa kể mỗi năm cũng có gần 700.000 du khách dù không leo núi vẫn đến khu vực này. Họ chen chúc nhau trên các con đường mòn quanh chân núi và gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái trong khu vực.

 

 

Các lều trại của du khách chuẩn bị chinh phục đỉnh Everest - Ảnh: voyages.orange.

 

 

Một đoàn khách du lịch đang leo núi Everest - Ảnh: theguardian.com

Thành phố cổ Petra được xây chìm trong các vách đá đỏ Wadim Rum ở tây nam Jordan, di sản đặc biệt được UNESCO công nhận từ năm 1985 và là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại, luôn gợi lên lòng hiếu kỳ khám phá ở du khách. Mỗi năm có gần 1 triệu du khách lang thang tại các hẻm núi, chiêm ngưỡng những vết tích kỳ bí của Petra. Thậm chí có không ít du khách thắp nến khi cưỡi lừa thưởng ngoạn Petra trong đêm.

Hậu quả để lại của dòng du khách không ngừng kéo đến Petra là bụi bẩn từ những bước chân của họ hằn sâu lên các vết tích còn lại của Petra. Việc ve vuốt của du khách cũng khiến ngôi đền Al Khazneh, biểu tượng của thành phố cổ Petra bị xói mòn gần 4cm trong vòng 10 năm.

Theo Tổ chức phi chính phủ Petra National Trust, năm 2009 một khối đá rơi xuống hành lang đá Siq dẫn đến Petra. Một năm sau đó, một nhà nguyện tang lễ ở Petra bị sụp đổ và cũng trong năm này lượng khách du lịch mỗi ngày đến Petra đạt 4.015 khách, tăng 25%, trong khi số khách tối đa chỉ phải ở mức 2.000 khách/ngày.

Hiện Petra thực sự bị đe dọa nghiêm trọng khi các vết nứt và khe hở xuất hiện nhiều hơn...

 

 

Hàng đoàn du khách phủ kín các ngóc ngách trong thành cổ Petra - Ảnh: telegraph.co.uk

 

 

Hàng đoàn du khách kéo đến thành cổ Petra - Ảnh: myworldshots

Lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng Taj Mahal ở thành phố Agra, bên dòng sông Yamunâ ở Ấn Độ, là một viên ngọc quý của kiến trúc Mughal mà bất kỳ du khách nào đến Ấn Độ cũng đều muốn ghé qua. Thế nhưng, lăng mộ được xây dựng từ tình yêu vô bờ của hoàng đế Shah Jahan cho người vợ quá cố của mình đang bị hủy hoại bởi không khí ô nhiễm và sự co hẹp của dòng sông.

Khối cẩm thạch trắng đang dần ngả màu trước những trận mưa axit. Thêm vào đó, sự tập trung đồng thời một lượng lớn khách tham quan khiến các móng nền bằng gỗ trong lăng mộ bị nghiêng ngày càng nhiều, chất lượng công trình vì thế cũng bị xuống cấp.

 

 

Lăng mộ Taj Mahal luôn tấp nập du khách - Ảnh: powertripberkeley

Lăng mộ của các pharaon là một trong những điểm đến không thể thiếu khi du lịch Ai Cập. Bất kỳ du khách nào khi đến đất nước Bắc Phi này đều muốn đến Thung lũng các vị vua và Thung lũng các hoàng hậu để được chiêm ngưỡng nơi yên nghỉ của hoàng đế Ai Cập cổ đại Tutankhamun, hoàng hậu Nefertiti (mẹ của Tutankhamun).

Nhưng cũng chính vì sự hâm mộ này mà hàng đoàn khách du lịch đã gây nhiều tổn hại cho khu di tích thuộc hàng di sản thế giới này. Bởi mỗi du khách, dù thận trọng đến mấy, cũng làm tăng độ ẩm của các hầm mộ bằng hơi thở của bản thân, phát tiết khối lượng khí CO 2 quá mức.

Hơi thở hàng ngàn người còn khiến các bức tranh khắc trên tường hầm mộ và những ngôi mộ mạ vàng trong lăng bị hư hỏng.

 

 

Du khách nườm nượp tại khu lăng mộ của hoàng đế Ai Cập Tutankhamun - Ảnh: independent.co.uk

Kilimanjaro ở Tanzania là một ngọn núi huyền thoại trong tác phẩmTuyết trên đỉnh Kilimanjaro của đại văn hào Mỹ Ernest Hemingway, nhưng đồng thời cũng là một nạn nhân của khai thác du lịch quá mức.

Chinh phục đỉnh Kilimanjaro luôn là mơ ước của những người leo núi và không ít du khách ưa thích loại hình du lịch mạo hiểm. Đặc biệt khi những thay đổi khí hậu đã khiến các lớp băng tan chảy mà theo dự đoán của các nhà khoa học, các tảng băng tuyết trên đỉnh núi Kilimanjaro sẽ biến mất từ năm 2020-2040, trong những năm gần đây Kilimanjaro còn đón nhiều du khách hơn.

Những con đường mòn dẫn lên đỉnh núi thường ken đầy du khách với hàng đống hành lý mang theo. Dòng du khách tấp nập dẫn đến việc hình hành vô số hàng quán được dựng bên đường lên núi... Và giống như ngọn Everest thuộc dãy Himalaya, ngọn núi "nóc nhà của châu Phi" này đã phải chịu đựng sự xói mòn và ô nhiễm do con người gây ra đang ngày càng lớn.

 

 

Đỉnh núi Kilimanjaro - Ảnh: voyages.orange

 

 

Một đoàn du khách đang trên đường lên đỉnh núi Kilimanjaro - Ảnh: kilitraveladventurestz

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét