(Mytour.vn) - Cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km về phía Tây, làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) từ hàng trăm năm nay đã nổi tiếng về nghề làm nón lá. Với 2.400 hộ dân ở đây, nghề làm nón không giàu nhưng đủ sống, hợp với vùng quê nghèo, ít cày cấy. Từ lâu đời, hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài và chiếc nón lá hay đằm thắm trong tà áo tứ thân với chiếc nón quai thao, đã in đậm vào tâm thức người Việt Nam.
Chiếc nón lá theo người phụ nữ Việt Nam trên mọi nẻo đường, trên những cánh đồng lam lũ, và ngày nay, trên cả những sàn diễn thời trang rực rỡ. Nón làng Chuông đẹp dáng, lại bền, từng là kỷ vật của bao cô gái bước lên xe hoa theo chồng.
Xa xưa, nón làng Chuông là món quà tiến hoàng hậu, công chúa bởi vẻ đẹp rất riêng, được làm nên bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề. Còn ngày nay, nón làng Chuông có mặt khắp nơi, cả trong và ngoài nước.
Trung bình một ngày, làng Chuông làm được 7.000 chiếc nón, mang tiêu thụ ở các tỉnh. Ngoài ra, nón làng Chuông đã được xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Tuy nhiên, so với các làng nghề khác, người dân làng Chuông vẫn còn nghèo. Nguyên liệu lá lụi phải nhập từ các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, vì làng không tự trồng được. Giá nón xuất đi lại rẻ, chỉ từ 3.000 đến 7.000 đ/chiếc, nên cả gia đình cùng làm thì chỉ thu nhập trung bình một hộ chỉ là 10.000 – 15.000 đ/ngày.
Người xưa có câu thơ vui:
"Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông "
Với việc mới đây được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể "Nón Chuông", uy tín của nón làng Chuông thêm một lần được khẳng định, đồng thời, mở ra những cơ hội mới trong việc bảo tồn, phát triển nghề nón.
Vào những ngày chợ phiên (các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 hằng tháng), vừa bước chân đến gần khu vực đình làng Chuông, du khách đã thấy một mầu trắng lấp lóa của nón. Cả phiên chợ hàng trăm người bán, hàng nghìn người mua, nhưng chỉ có một sản phẩm duy nhất là nón và các nguyên liệu làm nón. Làng Chuông được xem là làng làm nón lâu đời nhất ở miền bắc.
Tương truyền, nghề làm nón tại đây có đến 500 năm. Xưa kia, làng Chuông sản xuất nhiều loại nón như nón ba tầm cho các cô gái, nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp... cho cánh mày râu. Ngày nay, sản phẩm chủ yếu là nón lá, người làng Chuông thường gọi là nón Xuân Kiều hay nón Ba Ðồn.
Ðể có được chiếc nón đẹp và bền phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ðầu tiên là việc chọn lá. Lá nón được lấy từ một loại cây họ nhà cọ ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá mầu sáng và xanh đều thì nón mới đẹp.
Lá khi được mua về sẽ được vò trong cát để lá mềm rồi mới đem phơi khoảng hai, ba nắng cho đến khi mầu xanh của lá chuyển thành mầu bạc trắng. Sau đó sấy thêm bằng bếp củi, bếp đun lửa nhỏ để lá khô dần mà không bị giòn, không bị nát.
Vòng nón làm bằng cật nứa được vót nhỏ và tròn, đặc biệt là phải thật đều khi nối với nhau thì nuột nà, trơn tru, tuyệt đối không được lẹm, vênh. Nón làng Chuông có 16 vòng, khuôn tám gọng. Người thợ xếp các vòng nón có kích cỡ khác nhau vào khung gỗ từ chóp nón trở xuống theo thứ tự từ bé đến lớn, tức giai đoạn "vức vòng".
Sau khi đã chuẩn bị nguyên liệu, người thợ bắt đầu vào những công đoạn chính là "quai nón" và khâu nón. Người thợ khéo léo xếp lần lượt từng chiếc lá nón đã chọn sẵn lên khung nón, một lớp mo tre ở giữa hai lớp lá rồi bắt đầu khâu.
Theo chị Tạ Thu Hương - nghệ nhân của làng Chuông, khâu nón là công đoạn khó nhất. Người thợ giỏi khâu nón phải bảo đảm không làm nát lá, không bị lộ chân kim, đường kim mũi chỉ phải đều tăm tắp, khăng khít chặt chẽ, khi soi lên không thấy kẽ hở. Chiếc nón hoàn tất khi kết thúc công đoạn làm nôi, tức phần buộc quai nón, tùy nón mà nôi pha mầu, phối mầu. Ðể tránh thấm nước, người thợ sẽ phết phía ngoài lớp dầu thông mỏng.
Cũng như nhiều làng nghề khác, nghề nón ở xã Phương Trung cũng trải qua không ít thăng trầm. Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng nón của người dân ngày một giảm, khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình ở Phương Trung đã tìm hướng đi mới, tập trung vào làm hàng phục vụ du lịch, xuất khẩu. Nhiều mẫu mã nón mới, với đủ các kích cỡ khác nhau, ngoài phục vụ cho nhu cầu sử dụng như truyền thống, còn có các loại để làm đồ lưu niệm, trang trí...
Ðiển hình trong đó phải kể đến nón lụa - được làm kết hợp với một "đặc sản" khác của xứ Ðoài là lụa Hà Ðông. Nhờ đó, nghề làm nón dần được khôi phục và có bước phát triển vững vàng. Nếu như trước đây, người làng Chuông chủ yếu làm nón dân dụng, giá thấp thì nay có những chiếc nón chất lượng cao, mẫu mã đẹp có giá từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng/chiếc.
Ðặc biệt, nhiều công đoạn làm nón có thể tận dụng lao động dôi dư, với sự tham gia của người già, trẻ em. Hiện tại, mỗi năm xã Phương Trung cung cấp khoảng ba triệu chiếc nón, chủ yếu làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch. Toàn xã có khoảng 2.700 hộ gia đình tham gia làm nón.
Mặc dù vậy, nghề làm nón cũng có những cái khó nhất định. Ngoại trừ thợ lành nghề có thu nhập khá, thu nhập bình quân của người thợ bình thường chỉ từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nhiều bạn trẻ không mặn mà với nghề truyền thống.
Nón làng Chuông có truyền thống lâu đời nên UBND huyện Thanh Oai đã có chủ trương xây dựng thương hiệu cho làng nghề xã Phương Trung. Tháng 11-2012, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức công nhận nhãn hiệu tập thể "Nón Chuông" cho nghề làm nón tại xã Phương Trung.
Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới cho nón làng Chuông. Trong Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội cũng xác định du lịch làng nghề là một hướng đi chính.
Những năm gần đây, địa danh nón làng Chuông đã xuất hiện trong một số tua du lịch làng nghề. Vì vậy, việc công nhận nhãn hiệu tập thể còn tạo cơ hội tốt để quảng bá nghề làm nón ở Phương Trung, mở rộng thị trường, đặc biệt trong phát triển du lịch. Hiện tại, xã Phương Trung đã quy hoạch và đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt dự án gần 20 ha để phát triển nghề làm nón.
Với những định hướng này, hy vọng nghề làm nón sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó, thu nhập của người làm nghề được nâng cao, góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Chợ làng Chuông họp một tháng sáu phiên chính, vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30. Những phiên chợ này chỉ bày bán một thứ hàng duy nhất là nón. Nón được xếp thành từng chồng dài, trắng lóa. Nghề làm nón thích hợp với phụ nữ và họ cũng là người tiêu thụ chủ yếu. Vì thế, các phiên chợ làng thu hút rất đông các bà, các cô tới. Đến phiên chợ làng Chuông vào những ngày đầu năm, mới thấy hết được những đặc sắc của một làng nghề truyền thống, mới biết rằng mầu nón trắng đã trở thành một thứ gần gũi thân thiết với người dân. Mầu trắng của nón lấp loáng khắp nơi, xen lẫn khuôn mặt hồng hào của người thôn nữ, cùng những tiếng cười nói, mời chào rộn ràng. Mặc dù còn nghèo, nhưng nhiều gia đình chỉ làm nón mà đã nuôi hai, ba người con học hết đại học. “Tôi tự hào với nghề truyền thống của làng, nhưng mong rằng, làng nghề được quan tâm nhiều hơn để cuộc sống những người làm nón như chúng tôi bớt khó khăn”. Một nghệ nhân hơn 40 năm gắn bó với nghề, gia đình từng năm đời làm nón, đã thổ lộ như vậy.
Bên những triền đê phơi lá lụi trắng xóa, bàn tay những người dân làng Chuông, từ em bé 7, 8 tuổi cho đến cụ già 70, 80 tuổi vẫn từng ngày gìn giữ vẻ đẹp cho một nghề truyền thống, giữ gìn một nép đẹp bình dị của người phụ nữ Việt Nam, góp thêm niềm tự hào của chúng ta với bạn bè quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét