Giữa Hà Nội oi nồng, ngột ngạt, chợt nghe giai điệu bài hát của Phùng Chiến, tôi đồ rằng bất kể ai từng đến miền đất lạnh này, hẳn cũng như anh, sẽ tìm được lý do để trở lại hay để nặng lòng hơn nữa. Và ngay cả những người chưa một lần đến Sa Pa cũng có thể trào dâng những cảm giác nhớ mơ hồ, bâng khuâng, khao khát...
Sa Pa có thể giờ không còn cái “lặng lẽ” nữa nhưng vẫn đủ bình yên để làm dịu mát, thư thái những tâm hồn quá bận rộn
Sa Pa có nguồn gốc từ tiếng Quan Thoại, âm là SaPả hay SaPá tức “bãi cát”, do ngày trước khi có thị trấn Sa Pa nơi đây là một bãi cát mà người dân thường họp chợ.
Từ hai chữ “SaPả”, người phương Tây phát âm thành Sa Pa và họ đã phiên hai chữ đó sang tiếng Pháp thành “Cha Pa”. Về sau, được viết thống nhất là Sa Pa.
Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, trên độ cao 1.600m so với mực nước biển, cách thành phố Lào Cai 38km và cách Hà Nội 376km, Sa Pa là một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn. Nhưng có lẽ nét đặc biệt của Sa Pa so với các điểm du lịch khác, Sa Pa mùa nào cũng đẹp, cũng có nét hấp dẫn rất riêng.
Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc…
Mùa Hạ, những thửa ruộng bậc thang óng ánh sắc xanh ngời lên trong nắng làm mát mắt du khách đến đây trốn cái nắng nóng ngột ngạt của đô thị.
Mùa Thu, những cánh rừng, những hàng samu, những thửa ruộng bậc thang rực vàng trong sắc nắng hanh hao…
Mùa Đông mây luồn xuống phố, len lỏi vào từng ngõ ngách, khiến ta có cảm giác như đang trong biển mây… Và đôi khi ta có thể gặp… băng tuyết!
Chỉ trong một ngày, ta có thể bắt gặp ở Sa Pa đủ bốn mùa: sáng man mác như mùa xuân. Trưa như vào hạ. Chiều là trời thu với mây và sương. Đêm se sắt đông về…
Sa Pa là vương quốc của hoa trái, của ruộng bậc thang…
Sa Pa thành phố mờ sương… lãng mạn, kỳ thú và cuốn hút như Đà Lạt mộng mơ vậy.
Sa Pa nơi tiếng khèn môi gọi bạn tình réo rắt. Nơi có đỉnh Fansipan mây mù che phủ. Nơi Hàm Rồng vươn mình trong dãy núi xa xa. Và mường Hoa, Sa Pả, Tả Phìn, Tả Van, Thác Bạc, Cầu Mây, Bãi đá khắc cổ…
Đến Sa Pa là gặp những di chứng của kiến trúc Pháp…
Cũng có nét tương đồng nhưng đặc biệt hơn Bà Nà Hill hay Đà Lạt, Sa Pa bí ẩn và hấp dẫn bởi những công trình kiến trúc kiểu Pháp còn sót lại, không nhiều nhưng rất rõ nét. Người Pháp đã tìm thấy sức hấp dẫn của thị trấn lạnh này về cảnh quan, khí hậu và nguồn nước.... để rồi xây dựng lên hơn 200 biệt thự cổ kính mà hiện đại đậm phong cách kiến trúc Pháp. Những tòa biệt thự rêu phong cũ kỹ có vẻ đẹp riêng của nó, tạo thành một khung cảnh "nền cũ lâu đài bóng tịch dương" rất đặc trưng. Nhất là khi những bóng dáng xa xưa đó thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương mờ ảo không khỏi khiến lòng người bâng khuâng.
Nhà thờ Đá Sa Pa, dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại, tọa lạc ngay trung tâm thị trấn, được xây dựng từ năm 1895. Với nét trầm mặc như bản chất vốn có, Nhà thờ Đá Sa Pa vẫn ẩn dấu nhiều bí ẩn còn đang ngủ yên chờ đợi được khám phá.
Đến Sa Pa, có thú nào bằng trong cái se lạnh se sắt, được ngồi bên bếp lửa bập bùng thưởng thức món ngô nướng, trứng nướng… và thả hồn theo tiếng du dương của những bản tình ca đôi lứa…
Sa Pa không chỉ hấp dẫn vì cảnh sắc mà còn chính vì cái lạ, cái phong phú và cái bản thể được giải phóng của người thổ địa. Chính sự đa dạng của những tộc người nơi đây tạo nên sắc màu văn hóa phong phú như sự pha trộn màu sắc hay đường nét dệt nên chiếc khăn thổ cẩm của người dân chốn này.
Sa Pa là nơi sinh sống của nhiều tộc người như H’Mông, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xã Phó, Kinh, Hoa...
Đêm Sa Pa se lạnh, lang thang trên những con đường cắt ngang, cắt dọc theo bản quy hoạch về một thị xã trong tương lai gần. Những viền hoa bên bờ hồ trang điểm cho hồ thêm rực rỡ, sáng láng. Kỳ ảo nhẹ nhàng mà thanh khiết. Những dãy nhà cổ kính pha lẫn hiện đại nằm im lìm. Và mây và sương và cái se lạnh cứ luồn lách qua những con phố bồng bềnh, diệu vợi. Phố huyện về đêm lặng lẽ như lời thì thầm của gió. Những nhà hàng cửa hiệu, đèn điện sáng như sao, như thao thức và chứng kiến những mối tình dang dở, những cuộc hẹn không nỡ dứt của những chàng trai, cô gái Mông, Dao…
Sa Pa có thể giờ không còn cái “lặng lẽ” nữa nhưng vẫn đủ bình yên để làm dịu mát, thư thái những tâm hồn quá bận rộn. Sa Pa không trầm mặc buồn thương mà như cõi mơ kín đáo, hấp dẫn. Và cái nồng nàn của thị trấn mờ sương này chưa lúc nào thôi cuốn hút du khách, khiến ai cũng nhớ ngẩn ngơ, kể cả chưa một lần đến, và muốn trở lại một khi đã trót chạm cái bí ẩn, hồn nhiên và thanh tao của Sa Pa rồi… /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét