Nói đến các chợ ở Đà Nẵng phải kể đến chợ Cồn - một trong những cái chợ thuộc loại sầm uất nhất và lâu đời nhất ở Đà Nẵng. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại thì chợ Cồn ra đời từ những năm 40 của thế kỷ 20, nằm trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố nên người dân quen miệng gọi thành tên - Chợ Cồn.
Với vị trí ngay tại khu Trung tâm thành phố Đà Nẵng, giao thông đi lại thuận lợi, nên ngay từ ngày mới ra đời, chợ đã tập trung được số lượng lớn người tham gia buôn bán, ngoài người dân địa phương còn có những người từ các vùng quê của Quảng Nam như Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình chở nông sản thực phẩm của địa phương về cung cấp cho người dân thành phố, chủ yếu là rau xanh và các loại gia cầm. Không những thế. đây còn là nơi dừng chân của biết bao du khách gần xa với câu truyền miệng: đến Huế thì ghé Đông Ba, ra Quảng Trị ghé chợ Đông Hà, vô Đà Nẵng phải đến chợ Cồn.
Cổng chợ Cồn ngày xưa.
Chợ Cồn ngày nay được khởi công xây dựng lại vào tháng 12/1984 trên diện tích khoảng 14.000m2, bao gồm một dãy nhà 3 tầng, hai dãy nhà 2 tầng chủ yếu buôn bán vải vóc, quần áo, giày dép, hàng điện tử… và khu nhà cấp 4 dành riêng cho thực phẩm khô, rau quả và thực phẩm tươi sống. Công trình khánh thành vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng cùng với Nhà hát Trưng Vương.
Đã là người Đà Nẵng, ai cũng có vài ba cái kỷ niệm gắn với Nhà hát Trưng Vương và với chợ Cồn. Nhớ lại những năm 90, Đà Nẵng vốn chỉ có vài con đường, từng vòng xe đạp lang thang thoáng chốc đã hết thành phố, từng ngõ ngách thành phố được những đứa học trò hay la cà thuộc làu trong lòng bàn tay. Thế hệ chúng tôi, chợ Cồn đem lại một điều gì đó rất đặc biệt, khó có thể tả, dù thời gian có trôi đi, cảnh vật cũng nhiều đổi thay nhưng ký ức về chợ Cồn ngày xưa vẫn tươi mới như vừa hôm qua.
Điều làm nên ký ức sâu đậm trong chúng tôi về chợ Cồn đó là những món ăn và là không gian sôi động của chợ về đêm (dù so với bây giờ sự sôi động ấy không thể bằng)
Lũ học trò chúng tôi ngày ấy thường tổ chức thi đạp xe lên đỉnh cầu Vồng (bây giờ là đường Lê Duẩn) với phần thưởng dành cho người chiến thắng là được chiêu đãi ăn bất kỳ món ăn nào ở chợ Cồn. Sau khi ăn xong, bước chân ra khỏi chợ, ai cũng phải ngước nhìn đồng hồ trên nóc chợ xem mấy giờ rồi còn kịp về nhà kẻo bị la mắng.
Món ăn nổi tiếng của chợ Cồn hồi ấy là xôi gà. Lúc nhỏ, tuần nào tôi cũng mong được xuống chợ thăm mấy bà dì bán vải và chờ... được chiêu đãi món xôi gà. Thuở đó, thi thoảng được ăn miếng thịt cốt- lết kho mặn mặn với cơm đã là quá hạnh phúc rồi huống chi là xôi gà. Chiều chiều, các chị bán xôi đi rao vòng quanh chợ với khách hàng chủ yếu là những người buôn bán trong chợ. Món ăn là gà ta xé đều trộn với rau răm, hành tây cùng với muối tiêu và xôi trắng, thêm một chút dầu phi hành tỏi tưới đều lên dĩa xôi, đến bây giờ tôi vẫn không quên vị đậm đà và mùi thơm quyến rũ hòa quyện với nhau .
Khi thành phố vừa lên đèn, chị lao công vừa xong phần công việc của mình, những người buôn bán ở trong chợ dọn xong kiốt, khu chợ chính bắt đầu đóng cửa thì khu vực xung quanh chợ bắt đầu một nhịp sống sôi động về đêm.
Nơi ngã tư, được người dân đặt tên ngã tư Quốc Tế, tập trung nhiều thành phần, đủ lứa tuổi, ngành nghề tụ tập về. Các quán bánh bèo, bánh ướt, bánh canh lại được bày bán ở cổng chợ, tiếp nối sứ mệnh giới thiệu các món ngon của chợ Cồn. Một tô bánh canh thịt, chả nóng hổi rắc thêm chút ớt bột, vừa ăn vừa quệt từng giọt mồ hôi lăn tròn trên đôi má ửng hồng. Quán bán bánh tiêu trước bãi giữ xe với chảo dầu sôi sùng sục, một cục bột bỏ vào, xèo một cái thành cái bánh tiêu phồng nóng hổi, vừa thổi vừa nhâm nhi với ly cà phê hay sữa đậu nành. Phía bên góc ngã tư đường Ông Ích Khiêm là tiệm bánh mỳ thịt nướng thơm lừng, quanh chợ là các hàng quán caphê, chiếu phim kiếm hiệp, tình cảm Hồng Kông… Các hàng quán được mở cửa đến gần sáng với khách là người dân xung quanh, học sinh, sinh viên, cánh lái xe đường dài, những lái buôn đi chợ sớm…..
Cái ngã tư này dường như được chia làm hai thái cực trái ngược nhau, một bên đối diện với chợ là không gian sôi động, ồn ào, nhưng đi vừa hết cái ngã tư quốc tế là bến xe lam chìm lắng trong bóng đêm, những hàng bún chả cá, hột vịt lộn heo hút ngọn đèn dầu, tiệm bánh mỳ ông Tý dập dìu người mua như một đốm sáng giữa không gian yên ắng.
Từ nửa đêm, những chiếc xe tải chở trái cây từ mọi miền về góc cây xăng, bốc từng giỏ cần xé trái cây để xuống chợ rồi từ đó lan tỏa đi các chợ nhỏ khác trong thành phố. Chợ có cái bến xe lam chở các cô, dì tảo tần đi chợ sớm hôm từ tận Nam Ô, Kim Liên. Bây chừ, cây xăng, bến xe lam, chợ trái cây cũng đã chuyển đi rồi, bãi giữ xe và quán bánh tiêu rồi cũng mất đi giống như các bộ phim Hồng Kông chiếu bằng video ngày ấy. Âu đó cũng là lẽ thường tình của sự phát triển.
Chợ Cồn hôm nay dù không còn ồn ã, đông đúc như xưa, nhưng với nhiều người dân Đà Nẵng vẫn giữ thói quen đi chợ để được nhớ và được giữ cái không khí dân dã như níu giữ những giá trị văn hóa tinh thần của thành phố. Dù có nhiều đổi thay, nhưng món ngon, và không gian náo nhiệt đầy yên bình của chợ Cồn về đêm của ngày hôm qua, hôm nay và ngày sau trong chúng tôi vẫn là những ấn tượng khó phai mờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét