Nói đến những con đường của Đà Nẵng người ta thường nhắc đường Bạch Đằng bên tả ngạn sông Hàn, bởi nó không chỉ lưu giữ những di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc... mang bản sắc đô thị Đà Nẵng mà còn là nơi để tiếp cận, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên dài rộng của một thành phố đứng bên thềm biển.
Bao lơn ôm lấy thành phố
Trong một lần về thành phố Đà Nẵng, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Tất ở tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp, sau khi dạo quanh một vòng đã thốt lên rằng: thành phố Đà Nẵng đang sở hữu một con đường tuyệt đẹp, nó như một bao lơn ôm bọc lấy thành phố như người mẹ ôm con vào lòng, thân thiện mà bao dung. Tự bản thân con đường đã mang trong mình bao nét xưa phố cũ hài hòa với những công trình kiến trúc hiện đại, như thể bản thân con đường là một bộ nhớ được tiếp nối từ quá khứ tới hiện tại với một không gian văn hóa đầy sức sống và mở ra những tầm nhìn thưởng ngoạn cảnh quan thật kỳ diệu.
Đồng quan điểm như thế, một KTS khác lại ví con đường này là một phòng khách ấm áp nếu xem Đà Nẵng như một ngôi nhà. Phòng khách này luôn trong tư thế tạo nên ấn tượng mời gọi khách bước vào nhà. Mà phòng khách luôn là một không gian kiến trúc được đầu tư và thiết kế mất nhiều công sức nhất, nó là một điểm nhấn đầu tiên khi người ta đến nhà bạn. Vì thế, thường khi tiếp bạn phương xa người Đà Nẵng thường chọn cách đưa bạn đi dọc con đường Bạch Đằng, bởi con đường chính là niềm tự hào của người dân.
Lưu giữ những chuyện kể về lịch sử thành phố
Từ lâu con đường là một không gian kiến trúc đã được xây đắp, kết nối và sáng tạo của nhiều thế hệ từ khi Đà Nẵng còn mang tên là Tourane cho đến bây giờ. Trong đó, còn phải kể đến yếu tố của cảnh quan tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên một vẻ đẹp riêng đầy hấp dẫn.
Con đường dọc theo sông Hàn, ôm một cánh vòng cung thành phố trước đây nối dài từ Cổ Viện Chàm đến cửa sông, nay thì nối dài với đường Tiểu La, đường 2.9, ra quốc lộ 1A phía tây nam và đường Nguyễn Tất Thành dọc bờ biển ở phía đông bắc kéo dài lên đèo Hải Vân.
Bến Bạch Đằng xưa.
Con đường còn sở hữu những di tích văn hoá và kiến trúc của thành phố. Cổ Viện Chàm, nơi lưu giữ và trưng bày hàng trăm tác phẩm điêu khắc, các tượng thần của nhiều giai đoạn lịch sử nền văn hoá Chăm đầy bí ẩn diệu kỳ. Đây được coi là bảo tàng có giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của nhân loại. Và hiện là địa chỉ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước nhiều năm qua.
Đường Bạch Đằng xưa, nay là khu vực Bạch Đằng - Quang Trung.
Phía trên là chuỗi nhà phố và chợ Hàn, nơi trước đây là ga cũ thời thuộc Pháp (từ Đà Nẵng đi Hội An). Còn phía dưới là chuỗi cơ quan, trung tâm, văn hoá, những công trình kiến trúc mang dấu ấn thời thuộc Pháp. Ẩn giấu trong đó không chỉ là nét xưa cũ mà còn kết tinh của một nền kiến trúc mà giá trị đã được thừa nhận, phù hợp và hài hoà với cảnh quan chung quanh. Ví như Thư viện thành phố, trước đây là Trung tâm văn hoá Pháp được xây dựng trên mô đất cao rộng lớn, với không gian đầy cây xanh. Phía trước cổng còn giữ lại 2 khẩu súng thần công, biểu tượng suốt cả chặng đường lịch sử của thành phố bên sông Hàn. Sau lưng là thành Điện Hải (phía đường Trần Phú) là một pháo đài án ngữ ở cửa biển còn vang lừng chiến công đánh Pháp của quân và dân Đà Nẵng cùng vị tướng quân đầy dũng khí Nguyễn Tri Phương năm 1858. Mấy trăm năm đứng trấn ở cửa biển, người Đà Nẵng chưa một lần từ nhiệm trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Chiêm ngắm cảnh quan mùa lễ hội
Nếu bạn đi dọc đường Bạch Đằng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp đặc thù của Đà Nẵng. Núi trong lòng phố, phố bên thềm đại dương và sông nước. Bạn có thể nhìn ngắm mây núi Sơn Trà trước mặt, danh thắng Ngũ Hành Sơn, núi Hải Vân ẩn hiện trong mây trắng và con sông Hàn dập dềnh giữa trời xanh. Nơi dòng sông về gặp biển, cây cầu Thuận Phước như một chiếc cổng chào khổng lồ vươn qua cửa biển trong vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Đứng trên cầu mới cảm nhận sự hùng vĩ của cảnh quan, một màu xanh của núi Sơn Trà, sông Hàn, cửa biển đúng với câu thơ cổ “thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Cầu Rồng, Cầu Trần Thị Lý đang được khởi công xây dựng, đây là những cây cầu có quy mô hiện đại mang tính thẩm mỹ cao vì thế không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn làm tăng vẻ đẹp cho thành phố bên sông bên biển này. Đường Bạch Đằng nay đã được mở rộng, xây kè, lan can để du khách ung dung thảnh thơi tản bộ. Sắp tới đây, sẽ di dời cảng Đà Nẵng qua cảng Tiên Sa để cho con đường thêm thông thoáng, và cuối đường Trần Phú, nơi ngã ba Bạch Đằng-Đống Đa sẽ xây dựng một tượng đài điêu khắc đá của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng mang tên Đất lành chim đậu.
Đường Bạch Đằng - Đà Nẵng lung linh vào ban đêm.
Cũng bởi con đường có nhiều ưu thế về địa hình, cảnh quan thẩm mỹ và điều kiện thuận lợi để dựng những sân khấu lớn nên những ngày lễ lớn, mùa lễ hội du lịch đều được tổ chức trên đường này. Và chính trong những thời khắc ấy, đường Bạch Đằng như khoác vào cho mình một bộ xiêm y lộng lẫy hơn bao giờ hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét