Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Du lịch cần hướng tới những loại hình độc đáo

Có lợi thế cạnh tranh rất lớn, vượt trội so với nhiều nước trong khu vực về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đặc sắc... nhưng du lịch Việt Nam vẫn đang tụt hậu, quá chậm phát triển, chưa tận dụng khai thác được tiềm năng sẵn có. Một trong những nguyên nhân làm cản trở sức bật của ngành du lịch, hạn chế sức hút đối với du khách là sự thụ động, thiếu nỗ lực đột phá để tạo dựng được các sản phẩm, loại hình du lịch mới, năng động, thể hiện cá tính, sự sáng tạo, khả năng thu lợi nhuận lớn. Một số loại hình vẫn hoạt động cầm chừng, thậm chí chưa dám khai thác, trong khi các loại hình này đã và đang được phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới.

Nhiều bạn trẻ hào hứng với tua du lịch mạo hiểm chinh phục đỉnh Phan-xi-păng. Ảnh:NGUYỄN ĐĂNG

Đơn điệu, thiếu sự khác biệt

Tại Hội thảo Định vị thương hiệu Du lịch Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, nhiều chuyên gia đã nhìn nhận, đánh giá sát thực về những yếu kém trong việc sáng tạo các loại hình mới. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Trần Văn Tuấn cũng chỉ ra: "Thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật và khác biệt hóa các đặc tính của sản phẩm du lịch của điểm đến so với các đối thủ cạnh tranh. Thông qua thương hiệu, khách có thể hình dung được một cách khái quát các sản phẩm, dịch vụ mà mình sẽ trải nghiệm khi tham quan các điểm đến, giúp họ nhanh chóng đưa ra quyết định mua sản phẩm du lịch".

Vậy, thương hiệu của du lịch Việt Nam là gì? Hẳn là rất khó để chỉ mặt, đặt tên. Song, gắn với sự phát triển, không gì khác chính là sự năng động tạo ra các loại hình mới trong vô vàn các sản phẩm còn giản đơn. Con đường xây dựng đưa sản phẩm đến với du khách phải trải qua các bước: hình thành sản phẩm, nhận biết sản phẩm, lựa chọn sản phẩm, yêu mến sản phẩm, trung thành với sản phẩm. Quá trình này diễn ra càng sôi động, nhịp nhàng thì doanh thu ngành càng cao. Nhưng có một vấn đề đặt ra, là ở nhiều địa phương, do nóng vội đã đưa ra các chiến lược thiếu bền vững, trùng lắp về ý tưởng cũng như sản phẩm du lịch, thiếu tập trung vào việc tạo ra sự khác biệt, bản sắc riêng của từng sản phẩm.

Những loại hình du lịch phổ biến nhất tại nước ta hiện nay vẫn chỉ là những hình thức truyền thống như du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. Đã thế, cách thức khai thác sản phẩm du lịch này ở các địa phương cũng đều na ná nhau, thiếu nét khác biệt. Ngay cả khi những chương trình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương hay liên kết vùng đang được chú trọng thúc đẩy thời gian gần đây, thì các sản phẩm đưa ra giới thiệu, quảng bá vẫn mang tính "dàn hàng ngang", làm yếu đi sức hấp dẫn đối với du khách.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS, TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thẳng thắn: "Việt Nam chúng ta chưa có sản phẩm du lịch thật. Ngành du lịch, đáng ra phải thường xuyên tạo ra những sản phẩm, loại hình mới có chất lượng, thì vẫn hoạt động ăn xổi, chỉ khai thác được những gì thiên nhiên ban tặng và giờ đây phải tìm cách phát huy hơn nữa những tiềm năng quý giá".

Nhìn vào những con số "biết nói" trong tổng kết năm 2012 của ngành du lịch Việt Nam, buộc những nhà quản lý, những người trong nghề phải suy nghĩ. Cụ thể, năm qua nước ta đón 6.847.678 lượt khách, thấp hơn ba lần so với Thái-lan, gần 3,7 lần so với Ma-lai-xi-a và gần 1,6 lần so với Xin-ga-po. Về doanh thu, du lịch Việt Nam đạt hơn 6,6 tỷ USD; trong khi Thái-lan là 30,9 tỷ USD; Ma-lai-xi-a là 19,79 tỷ USD; và Xin-ga-po là 19,3 tỷ USD. Dự kiến, năm 2013 doanh thu của ngành đạt gần 8 tỷ đồng, có tăng trưởng nhưng theo một số chuyên gia, du lịch vẫn "chưa được mùa". Tức là, nếu khai thác tốt, phát huy bằng các biện pháp tạo dựng thương hiệu cho các loại hình mới, con số có thể đạt gấp đôi, gấp ba.

Xốc lại cách làm

Điểm qua các loại hình mới, du lịch thám hiểm Việt Nam có các khu rừng như Bạch Mã, Cát Tiên, Cúc Phương... rất thuận lợi cho phát triển du lịch quan sát đời sống động vật, được cho là có thể giữ chân khách dài ngày, nhưng chỉ có bảy công ty đứng ra tổ chức tour. Một số tour được cho là hấp dẫn, nhưng phải có sự "gợi ý" của công ty lữ hành nước ngoài, thì công ty trong nước mới dám tổ chức. Hay nước ta sở hữu nhiều bãi biển đẹp, có thể phát triển du lịch biển, nhưng vẫn đang ở giai đoạn "chuẩn bị ra khơi". Nhiều địa phương có biển, có thể tổ chức các tour thám hiểm biển, lặn biển, du lịch sự kiện... nhưng nghèo nàn về ý tưởng. Hơn nữa, lợi thế bờ biển nhiều, nhưng nước ta vẫn chưa có một khu du lịch tổng hợp có tầm cỡ, giữ chân du khách dài ngày như Giê-giu (Hàn Quốc), Phu-két (Thái-lan), Ba-li (In-đô-nê-xi-a).

Khám phá Hạ Long bằng thuyền Kayak.

Bà Đặng Thị Thọ - đại diện Công ty Phượng Hoàng (Hà Nội) cho rằng: "Du lịch nước ta phải xốc lại cách làm, không thể giữ phong cách cũ, kiểu làm cũ. Nhu cầu của khách luôn thay đổi, các doanh nghiệp phải năng động, tìm những tuyến mới, tổ chức các chương trình có chất lượng. Đến biển không chỉ ngắm biển, du khách nước ngoài cần những dịch vụ tốt để họ lưu trú dài ngày, sử dụng các dịch vụ chất lượng". Hay đại diện Vietravel, chi nhánh Hà Nội cho biết: "Những tour du lịch mới chiếm hơn 50% trong tổng số các tour du lịch nội địa, chiếm thế áp đảo so với những loại hình du lịch truyền thống, và mỗi tháng có đến 60%- 70% du khách đặt".

Hướng tới sản phẩm độc đáo

Các chuyên gia đã "điểm danh" những lợi thế và một số loại hình mới mà du lịch nước ta có thể làm "bật lên". Thí dụ: lướt kayak, hội thảo, leo núi, vượt thác, thám hiểm ở rừng Cát Tiên và động Phong Nha - Kẻ Bàng, homestay, chữa bệnh, trượt cát, dù lượn... Cũng phải khẳng định, một số công ty du lịch đã nhập cuộc khá tốt, như Hanoitourist thường xuyên tổ chức tour "Khám phá Đông bắc", hướng đến đối tượng khách thích phiêu lưu, mạo hiểm. Cách đây hai năm, công ty này đã tổ chức tour thể thao tổng hợp dài ngày, hành trình từ Hà Nội - Lào Cai - Quảng Ninh, thu hút cả nghìn khách. Công ty Vietdiscovery tổ chức tour chinh phục đỉnh Phan-xi-păng. Các công ty lớn như Saigontourist, Vietravel, Fiditour cũng đang từng ngày tích cực tạo ra các sản phẩm mới. Đặc biệt, đầu tháng 8-2013, sau chuyến thám hiểm đầu tiên của một đoàn du khách nước ngoài chinh phục Sơn Đoòng, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã giao Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis -Quảng Bình) thử nghiệm khai thác tour "Chinh phục Sơn Đoòng, hang động lớn nhất thế giới", tạo dấu ấn cho loại hình, sản phẩm du lịch thám hiểm nước ta. Thế nhưng, những địa phương có "con mắt xanh" làm du lịch như Quảng Bình vẫn còn quá hiếm hoi. Không phải vô cớ khi có người chỉ ra "du lịch nước mình ăn sẵn, ngủ đông quá lâu rồi".

Không dễ để biến những lợi thế "ai cũng biết" thành sản phẩm du lịch có sức hút. Còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cả từ cách nghĩ, đội ngũ, đến sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động của cả hệ thống ngành du lịch vốn quen ăn xổi. Song, trước sức ép lớn từ quá trình hội nhập, khi cơ hội đón đầu làn sóng du lịch châu Á đã bị trượt mất, thì du lịch Việt Nam cần phải nỗ lực vượt bậc mới có thể cạnh tranh được với ngành du lịch của các nước trong khu vực. Vì vậy, cần đánh giá, nhìn nhận một cách thiết thực, cầu thị để khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh, khảo sát khoa học những lợi thế và tiềm năng của các địa phương để tìm ra những sản phẩm đặc trưng. Cần có chiến lược đầu tư bài bản, dài hơi cho việc tạo dựng các sản phẩm du lịch mới, được du khách trong và ngoài nước quan tâm, phù hợp với điều kiện Việt Nam, tạo động lực để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông H. Ka-ta-giai-a - Chủ tịch Hiệp hội Marketing thế giới cho rằng: "Các nước trong khu vực ASEAN đều nỗ lực biến nước mình trở thành một điểm đến hấp dẫn của thế giới. Việt Nam cần phải có thương hiệu chủ đạo ở tầm quốc gia, xây dựng các sản phẩm mới và chất lượng. Có một tín hiệu đáng mừng là nhiều tour đến châu Á đều đưa du lịch biển Việt Nam vào chương trình lựa chọn".

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét