“Du lịch có trách nhiệm” là một khái niệm không còn xa lạ và quá “vĩ mô”, nhất là khi ngành du lịch đang đứng trước nguy cơ có thể nhìn thấy được như môi trường bị tàn phá, các di tích bị xâm hại… Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển dịch vụ du lịch một cách tự do, ồ ạt, thiếu định hướng… với sự chủ quan của những người làm du lịch và sự thiếu ý thức từ một bộ phận du khách.
“Du lịch trải nghiệm” giúp du khách ý thức trách nhiệm với môi trường
Du khách thiếu ý thức
Du khách nướng ngô thiêu rụi nhà Lang 100 tuổi - chẳng phải đến vụ hỏa hoạn gây bàng hoàng dư luận xảy ra tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (Hòa Bình) cách đây ít lâu, vấn đề ý thức, cách ứng xử và công tác bảo vệ, giữ gìn di sản mới được “thổi bùng” lên. Trước đó, năm 2010, Kon Klor – ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên (thôn Kon Klor, P.Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) bị thiêu rụi hoàn toàn, toàn bộ kết cấu cùng nhiều vật dụng truyền thống của bà con đều bị cháy, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do một nhóm học sinh trèo vào nhà rông để tổ chức liên hoan và khi ngọn lửa bốc lên đã trở tay không kịp.
Không kể đến những vụ việc chấn động như trên, những hành động, thói quen của một bộ phận du khách thiếu ý thức đang làm xấu đi bộ mặt di tích, di sản cũng như tác động không nhỏ tới cảnh quan môi trường. Từ vứt rác bừa bãi trên vịnh Hạ Long, bẻ thạch nhũ trong các hang động Phong Nha, thi nhau chụp ảnh, giẫm đạp nát bươm những cánh đồng, ruộng hoa, cho đến thản nhiên leo trèo, “đánh đu” trên các tượng đá… Ngay giữa lòng Hà Nội – trung tâm văn hóa của cả nước cũng xảy ra những chuyện vô cùng thiếu văn hóa. Cứ thử đi bộ quanh hồ Gươm là biết, tháp Bút, tháp Hòa Phong uy nghiêm, sừng sững hiện nay lại là nơi “lưu dấu kỷ niệm” của đám nam thanh nữ tú với vô số những dấu tích viết, vẽ nhằng nhịt. Và tại nơi Thánh đường đạo học như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, dù đã tìm mọi biện pháp, như lập hàng rào phân cách đến cử người trông nom, nhắc nhở thì du khách vẫn nhảy vào… sờ bằng được, thậm chí ngồi lên bia tiến sỹ.
Những hành động như thế này đang làm xấu đi hình ảnh di tích
Trách nhiệm từ nhiều phía
Trong khi đằng sau dấu chân du khách là vô số những câu chuyện đáng buồn, thì đây cũng chính là hồi chuông thức tỉnh cho những người làm du lịch ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong việc phát triển các dịch vụ du lịch. Cách đây không lâu, đã có cảnh báo về nguy cơ vịnh Nha Trang – một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam bị ô nhiễm nặng nề. Mà nguyên nhân rõ ràng nhất chính là từ các tàu chở khách du lịch – đang từng ngày xảy ra một lượng chất thải lớn mà không qua một hệ thống xử lý an toàn. Hoạt động khai thác du lịch một cách quá mức cũng đang đặt cho không chỉ Nha Trang, mà nhiều vùng bờ biển nước ta vô số hậu quả như ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt tài nguyên thủy hải sản… ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống những người dân nơi đây. Chúng ta đã có những bài học đắt giá từ việc phá rừng để xây resort, lấn đất để làm khu du lịch cho đến nhồi nhét khách vào di tích, danh thắng và để lại sau đó là một đống rác thải, phế tích.
Hướng tới Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11, phát triển du lịch có trách nhiệm một lần nữa được nhắc lại, với việc đưa ra những biện pháp thiết thực hơn nữa góp phần bảo vệ di sản, trong đó, cần có sự vào cuộc nghiêm túc hơn từ phía những người làm du lịch và chính những du khách. Tại “Tuần văn hóa du lịch di sản xanh, nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” đang diễn ra tại Hà Nội, đã có những dấu hiệu lạc quan cho thấy những doanh nghiệp lữ hành, những công ty du lịch đang có những động thái cụ thể để xây dựng, phát triển thương hiệu theo hướng bền vững và có trách nhiệm. Trong đó, việc đẩy mạnh chương trình “du lịch trải nghiệm” với tiêu chí hấp dẫn, thân thiện, an toàn đã tạo điều kiện cho du khách tham gia một cách tích cực vào việc bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch tại các điểm đến. Bằng nhiều tour du lịch với tên gọi như “Một ngày làm ngư dân”, “Trải nghiệm mùa nước nổi”… du khách có cơ hội được sinh hoạt, sống và lao động cùng người dân bản địa, được hiểu thêm về những giá trị di sản, giá trị mà thiên nhiên mang lại.
Khi dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (ESRT) mà Liên minh châu Âu thực hiện tại Việt Nam đã đi được nửa chặng đường, thì phát triển du lịch với trọng tâm là quản lý điểm đến cần đặc biệt được coi trọng, trong đó, các điểm đến phải đặt dưới sự quản lý của một tổ chức quản lý điểm đến thực sự chuyên nghiệp, với sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Những chương trình du lịch được đưa ra phục vụ du khách phải được đảm bảo là những sản phẩm có “trách nhiệm”, chứ không phải là khơi mào cho một xu hướng gọi là “du lịch đại trà” đang tồn tại hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét