Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Khi mỗi người dân Đà Nẵng đều muốn "đẹp lòng người đến"

Người dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây thường bị gán cho cái danh “ăn cục, nói hòn”, ý chỉ về sự chất phác, trung thực, không biết nói năng hoa mỹ làm đẹp lòng người khác. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây. Ngày nay, với sự phát triển năng động cùng với sự giao lưu, giao thoa văn hóa với cả thế giới, Đà Nẵng đã dần hình thành những tư duy văn hóa mới cũng như những phong cách giao tiếp cởi mở nhưng thân thiện tạo những dấu ấn đẹp trong lòng bạn bè và du khách đến Đà Nẵng.

Sáng sớm nọ, trên đường Phạm Văn Đồng, chiếc xe con mang biển số 31…dừng lại bên hè đường với một đám người vừa đi tắm biển về, đứng ngồi vây quanh một chiếc xe máy bán bắp. Họ vô tư cười nói, vô tư ăn bắp và cũng vô tư vứt cùi bắp xuống lòng đường, vệ đường. Một bà cụ già đi tập thể dục về ngang qua đó, thấy vậy ôn tồn bảo: “Các cô các cậu ăn xong, nên gom hết vỏ lá vào bao rồi đem tới thùng rác mà bỏ vào". Bà cụ nói xong rồi đi, đám thanh niên dạ vâng rồi líu ríu nhặt nhạnh rác xung quanh bỏ vào túi nilon.
Mới đây, VTV1 trong bản tin chào buổi sáng, đã nêu lên một 
“hiện tượng lạ” của Đà Nẵng. Đó là việc các anh cảnh sát ứng xử với những lái xe từ tỉnh khác khi vi phạm Luật giao thông, lỡ đi vào đường một chiều hay lái xe ô tô qua cầu vào giờ cấm. Thay vì nghiêm khắc xử phạt tiền (thậm chí còn bày trận để kiếm tiền) như tại một số nơi khác thì cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở cảnh cáo bởi như lời giải thích rất thấu tình đạt lý của ông trưởng phòng CSGT thành phố: “Người ta ở tỉnh khác đến, không quen đường, lỡ vô tình vi phạm, mình chỉ nên nhắc nhở, cảnh cáo họ để lần sau họ đừng làm vậy nữa”.

Bên cạnh thực hiện những thói quen ứng xử tốt đẹp, 
người Đà Nẵng cũng không ngại ngần bày tỏ sự bức xúc khi phát hiện những điều không hay của người dân Đà Nẵng khi đối xử với khách phương xa. Anh Bé, công tác tại bộ phận Đường dây nóng của Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều người dân khi gặp cảnh du khách bị chèo kéo, chặt chém đều gọi đến đường dây nóng đề nghị xử lý vì "không muốn làm xấu mặt thành phố". Đó chỉ là một vài trong nhiều câu chuyện về văn hóa giao tiếp hàng ngày của người dân thành phố, nhưng ít nhiều cũng có thể nói lên được ý thức trách nhiệm của những công dân đối với thành phố của mình. 



Trong các mục tiêu phấn đấu của mình, Đà Nẵng đang tích cực hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống" mà trong đó, một trong những tiêu chí quan trọng chính là vấn đề văn hóa - văn minh đô thị. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề văn hóa văn minh đô thị trở thành một trong 3 vấn đề quan trọng nhất trong “Chương trình 3 có” mà thành phố đang tích cực triển khai rộng khắp. Mỗi 
công dân Đà Nẵng phải luôn ý thức được mình là chủ thể chính để thực hiện có hiệu quả những tiêu chí văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử trong giao tiếp hàng ngày. Một lời mời chào lịch sự, “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”, một cử chỉ giúp đỡ thân thiện, một lời xin lỗi, cảm ơn chân thành hay là việc bỏ thói quen nói thách- trả giá ở chợ… tuy là "chuyện nhỏ" nhưng lại có ý nghĩa to lớn khi để lại cho người phương xa những ấn tượng tốt đẹp khó phai.

Những năm gần đây, bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi, công cuộc đô thị hóa đã diễn ra nhanh chóng, nhiều sự kiện văn hóa thể thao du lịch đã được tổ chức, không chỉ hạn hẹp trong không gian quốc gia mà đã vươn đến tầm quốc tế, Đà Nẵng trở thành một điểm đến hấp dẫn với rất nhiều du khách. Sự hấp dẫn đó không chỉ đến từ những ưu đãi của cảnh quan thiên nhiên với núi, biển, sông, không chỉ đến bởi những sự kiện lớn như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc thi dù bay mà còn đến từ một môi trường xã hội lành mạnh, an ninh, trật tự tốt, và đặc biệt là con người hiền hòa thân thiện, sẵn sàng mở lòng ra với bạn bè gần xa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét