Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Môi trường du lịch an toàn: Cơ hội cho Bình Thuận

Nhờ nỗ lực xây dựng môi trường du lịch an toàn thân thiện, Bình Thuận còn vượt trên cả những địa phương đã có thương hiệu du lịch nhiều năm.

 

 

Ảnh minh họa

Trong 9 tháng năm 2013, trong khi Khánh Hòa chỉ đón gần 2,3 triệu lượt khách với doanh thu trên 2.862 tỉ đồng thì du lịch Bình Thuận đón trên 2,5 triệu lượt khách với doanh thu đạt trên 3.615 tỉ đồng), một con số ấn tượng mà không phải địa phương nào cũng dễ dàng đạt được trong một thời gian ngắn (du lịch Bình Thuận mới bắt đầu được đầu tư phát triển từ 10 năm trở lại đây).

Nỗ lực tạo lập môi trường an toàn cho du khách

Bình Thuận đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách từ các tỉnh phía Nam và khách quốc tế như Nga, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc… Trong đó đặc biệt là du khách Nga với thời gian lưu trú tại Bình Thuận ngày càng dài hơn, bình quân tới 7 ngày.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết trong tổng số 190.000 lượt du khách Nga đến Việt Nam từ đầu năm đến nay, du khách tới Bình Thuận chiếm 30%.

Để có kết quả ấn tượng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định đầu tư, phát triển du lịch, xem đây là một ngành trọng điểm góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngay từ năm 1999, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển du lịch xác định lấy việc tạo môi trường du lịch thân thiện, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách làm lợi thế cạnh tranh, thu hút du khách. Tỉnh đã triển khai lực lượng túc trực tại các điểm du lịch trọng yếu, kịp thời ngăn chặn tình trạng ăn xin, bán hàng rong, chèo kéo du khách; yêu cầu các đơn vị, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng, quán ăn, điểm du lịch… ký cam kết không tăng giá, "chặt chém" du khách, nhằm tạo môi trường du lịch thân thiện, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 1A.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có gần 10 trạm dừng chân kết hợp với kinh doanh xăng dầu và giới thiệu, quảng bá những đặc sản của địa phương; cải tạo, nâng cấp các nhà vệ sinh, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch và thân thiện với du khách…

Nhờ những nỗ lực trên, mặc dù là địa phương đi sau, so với các trung tâm du lịch khác trong cả nước, Bình Thuận còn hạn chế về giao thông đối ngoại (không có sân bay, không có cảng biển…) nhưng lượng du khách Nga và các nước nói tiếng Nga đến Bình Thuận vẫn tăng trưởng đều từ năm 2006 đến nay.

Xây dựng môi trường du lịch bền vững

Khảo sát công tác quản lý môi trường du lịch của Bình Thuận (ngày 28-29/9), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho rằng Bình Thuận đã có những bước tiến vượt bậc, xây dựng được kế hoạch, định hướng phát triển du lịch ngắn và dài hạn, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch chưa đồng bộ và xứng tầm với tiềm năng du lịch sẵn có, nguồn nhân lực phục vụ du lịch vẫn còn thiếu và yếu… Vì vậy, về lâu dài, địa phương cần sớm thực hiện đề án xây dựng trường đào tạo nghề du lịch; trước mắt, có thể liên kết với một số trường, địa phương trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành…

Bên cạnh đó, địa phương cần khẩn trương thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường du lịch, an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn cho các môn thể thao, bơi, lặn, vui chơi trên biển hay công tác đảm bảo an ninh trật tự, buôn bán hàng rong, ăn xin, chèo kéo du khách.

Theo ông Hồ Anh Tuấn, đảm bảo hạ tầng cơ sở, môi trường an ninh, an toàn là điều kiện tốt nhất để quảng bá, phát triển du lịch, bên cạnh đó cần đầu tư có trọng điểm, làm đến đâu tốt đến đấy để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, xây dựng thương hiệu và thu hút du khách là câu chuyện không chỉ dành riêng cho Bình Thuận mà còn là định hướng quan trọng đối với tất cả những địa phương muốn phát triển du lịch.

Với những nỗ lực trong thời gian qua cũng như sắp tới, du lịch Bình Thuận sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng 2% du khách Nga đi du lịch nước ngoài đến Việt Nam mỗi năm, dự kiến đến năm 2015 sẽ đón 350.000 khách Nga.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét