Nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng Đà Nẵng (29.3.1975- 29.3.2012), lật lại nhiều thư từ và tư liệu đang lưu trữ, tôi bỗng nhận ra đã có một sự đổi thay đến lạ lùng về cả con người lẫn cảnh vật ở thành phố này. Cuộc sống thay đổi đồng thời tác động đến nhận thức cũng là điều dễ hiểu. Một trong 2 tài liệu viết sau đây của 2 người gốc Đà Nẵng đang ở nước ngoài có lẽ sẽ cho ta một cái nhìn khách quan hơn trong quá trình thay đổi đó.
Nhà thơ Luân Hoán, một người con Đà Nẵng và rất nổi tiếng trước năm 1975, đang định cư ở Canada. Anh đã nhiều lần về Đà Nẵng (cả trong mơ –như cách nói của anh- lẫn về thực vì một tình yêu tha thiết thành phố quê hương) đã viết: “Đà Nẵng trong chuyến về có thực của tôi ( 2006), đã có quá nhiều đổi thay. Sự phát triển mau chóng về kiến thiết đô thị đã đem đến cho thành phố thân yêu của tôi một khuôn mặt mới. Không những củng cố vững vàng vị trí số một tại miền Trung mà còn có khả năng đe dọa đến uy tín một vài thành phố lớn khác trong cả nước”.
“ Trước thành phố chỉ có 3 quận, gọi tên bằng số thứ tự 1, 2 và 3. Ngày nay Đà Nẵng đã vươn mình ra những khu ngoại vi để lập thành 6 quận với các tên gọi: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và thêm huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa…Những cấp lãnh đạo hành chánh của Đà Nẵng đã thực hiện rất khả quan công việc này. Đứng đầu có thể kể sự đóng góp tích cực của ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng”.
“Công việc phát triển trước tiên có lẽ là mở mang đường, cầu, xây dựng cao ốc, chỉnh sửa nhan sắc mặt tiền của thành phố. Tôi đã rất ngỡ ngàng khi đi trên con đường mang tên Lê Duẩn mà hỏi đứa em về cái dốc Cầu Vồng ở đâu…Dốc Cầu Vồng ngay dưới chân tôi đây. Nó đã bị san bằng. Thật đáng tiếc, rất đáng tiếc, nhưng nghĩ cho cùng cũng hợp lý trong công việc mở mang, làm rộng lớn thành phố, trong khả năng còn hạn chế của một nước chưa được giàu có những kỹ thuật tân tiến lẫn kinh phí”.
“Đà Nẵng ngày hôm nay có trên 260 con đường lớn nhỏ…Dù có mê đường đến đâu, tôi cũng khó lòng lang thang khắp cả thành phố như ngày nào…Do đa số đường phố được sửa chữa, nới rộng cùng lúc hình thành nhiều con đường mới, nhà cửa của thị dân có được nhiều mặt tiền. Nhu cầu thay đổi cho thích hợp với khuôn mặt mới, đồng thời để tạo điều kiện cải tiến cuộc sống, dân thành phố đã đua nhau sửa sang, tạo dựng lại nhà cửa thành những hàng quán, hiệu buôn. Điều này phù hợp với chính sách cởi mở về thương nghiệp của nhà nước”.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn đang được gấp rút hoàn thành vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng thành phố 29-3-2013
“Mở mang đường sá, tu bổ, xây dựng nhà cửa, công sở chưa phải là những việc cuối cùng của giới điều hành thành phố chủ trương. Dựa vào tiềm năng lao động của người dân cùng lợi thế về vị trí địa lý như: nằm ở trung độ Việt Nam, trên tuyến đường huyết mạch Bắc Nam, bao gồm đường biển, đường hỏa xa, đường bộ, đường hàng không; cửa ngõ của cả miển Trung, Tây Nguyên. Nơi mở đường giao dịch thương mại qua các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào; nằm giữa các di sản văn hóa thế giới: Mỹ Sơn, Hội An, Huế, giới hữu chức Đà Nẵng quyết tâm đẩy mạnh thành phố mình lên hàng “đô thị loại một” của “cả nước”(mục tiêu này đã đạt được).
…Trước năm 1975, tôi có rất nhiều lần ngồi hóng gió bờ sông Hàn, không chỉ để làm thơ, mà còn để ước mơ: một thành phố sẽ mọc lên ở bờ bên kia, bên quận ba. Chiều chiều tôi sẽ rong xe qua đó bằng một cây cầu vững chắc, đẹp đẽ hơn cả cầu Tràng Tiền ở Huế. Ước mơ của tôi ngày nay một phần nào đã được nhìn thấy. Một cây cầu mới đã được bắt qua sông Hàn, khởi từ cuối đường Lê Duẩn (Thống Nhất cũ). Chiếc cầu không thuộc loại bình thường, mà là cầu quay (độc nhất ở Việt Nam) để tạo được hai dòng lưu thông tàu khi cần. Cầu được khánh thành vào ngày 29 tháng 3 năm 2000, do sự đóng góp tài chánh của toàn thị dân. Ngoài cầu quay này, trên mặt sông Hàn còn có những cây cầu đang được sử dụng: Cầu Nguyễn Văn Trổi (các tên cũ: Trịnh Minh Thế, De Lattre de Tassigny), Cầu Trần Thị Lý (vốn là cầu dành cho tàu hỏa được sửa lại, chỉ cách cầu Nguyễn Văn Trổi 10 thước), cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ. Ngoài ra một cây cầu mang tên Thuận Phước, bắt đầu từ cuối đường Nguyễn Tất Thành chạy đến bán đảo Sơn Trà đang trong giai đoạn thi công…”
Một người bạn của tôi đi Úc định cư hơn 30 năm trước, gần đây có dịp về lại quê nhà đã không nhận ra nơi chôn nhau cắt rốn của mình nữa. Chị than phiền thành phố không còn là của chị. Nhưng khi sang Úc, chị lại viết thư cho tôi: “ Tôi từng nói hôm về Đà Nẵng là đang cảm giác thành phố không còn là của tôi những năm còn đi học nữa. Bao nhiêu kỷ niệm dường như bị xóa hết vì tốc đô đô thị hóa đến chóng mặt. Tôi không biết Cầu Vồng ở đâu, chùa Bà Quảng ở đâu, bến phà qua Hà Thân ở đâu? Đâu rồi nhà sách Văn hóa hay tiệm cà phê Xướng ở chợ Cồn? Đâu rồi cái rạp hát Hòa Bình hay rạp xi nê Tân Thanh gần sân vận động?...Khi về Đà Nẵng, những hình ảnh thân thương đó không còn nữa và tôi cảm thấy lạc lõng, thất vọng…”. Và cuối thư, chị lại viết: “ Nhưng nghĩ cho cùng đó là những cảm xúc tức thì. Khi hồi tâm lại mới thấy, những cái mình cho là đẹp đó của ngày xưa chỉ là dành riêng cho mình, còn hàng vạn người khác thì sao? Đẹp nhưng lại nghèo! Mình có ích kỷ lắm không? Một thành phố phát triển mạnh về giao thông, hạ tầng, không gian đô thị, môi trường như vậy, tuy chưa bằng ở xứ người ta, nhưng ai cũng có nhà cửa khang trang, đường sá thoáng đãng, những cây cầu bắc qua sông Hàn giúp phía biển giàu lên, đẹp lên và du lịch phát triển…”.
Không phải bình luận gì nhiều về hai ý kiến trên đây vì đó là hai cái nhìn bình tĩnh, khách quan về một nơi họ đã gắn bó và ra đi với nhiều kỷ niệm. Những cái nhìn như vậy về Đà Nẵng tuy chưa toàn diện, nhưng rất đáng trân trọng, rất đáng cho ta hãnh diện hơn về thành phố mình đang sống nhân những ngày tháng 3 đầy ý nghĩa lịch sử này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét