Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Phát triển nguồn nhân lực du lịch

Ngày 21.10, Cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TP.HCM và Trường ĐH Phan Thiết đã tổ chức hội thảo “phát triển nguồn nhân lực và phát triển du lịch Bình Thuận”. Tại hội thảo, có hơn 30 tham luận của các nhà chuyên môn, doanh nghiệp du lịch được trình bày.

 

 
 

Lễ hội du thuyền quốc tế tại Mũi Né - Ảnh: Quế Hà

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Hoàng Tuyết Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Thuận cho biết Bình Thuận được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, sở hữu bờ biển dài gần 200 cây số. Ngành du lịch Bình Thuận đang tập trung phát triển du lịch biển trong vài năm trở lại đây, đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh nhà trong những năm qua. Du lịch Bình Thuận, với hình ảnh điểm đến là Mũi Né đã thực sự trở thành thương hiệu du lịch mạnh trên bản đồ du lịch Việt Nam là được thế giới biết đến. “Mặc dù có tới 15.000 người đang làm việc, nhưng đội ngũ nguồn nhân lực của du lịch Bình Thuận vẫn chưa đạt chất lượng cao. Hiện vẫn còn 15% lao động làm công tác quản lý chưa qua đào tạo. Các doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn phải tự đào tạo hoặc đào tạo lại nhân viên mới đáp ứng được các kỹ năng phục vụ khách quốc tế”, bà Linh phát biểu.

Lao động “nhảy” !

 

 

“Trong rất nhiều băn khoăn, nổi trội lên vẫn là chất lượng nguồn nhân lực. Chẳng hạn như lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 44,47 %. Trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường khách du lịch quốc tế”, ông Lê Văn Hùng, Quyền Trưởng Cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TP.HCM.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa cho biết, toàn tỉnh hiện có 220 cơ sở lưu trú với khoảng 9.000 phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn. Do vậy, hiện nay nguồn nhân lực của ngành du lịch là “cung không đủ cầu”. Mặc dù Hiệp hội du lịch Bình Thuận đã liên kết với các cơ sở đào tạo để giảng dạy nghiệp vụ cho sinh viên cho học viên thực tập ngay tại những cơ sở du lịch đạt tiêu chuẩn; nhưng nguồn nhân lực không những thiếu mà vẫn còn yếu.

Đặc biệt, theo ông Khoa, tình trạng lao động “nhảy” việc đang là vấn đề nan giải cho các cơ sở du lịch hiện nay, nhất là các cơ sở du lịch được xếp sao. “Chúng tôi đã có khảo sát rồi. Hiện nay tình trạng dịch chuyển lao động du lịch trong các doanh nghiệp chiếm tới 30-40 %. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn. Từ việc thiếu đội ngũ nhân viên, đã xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để thu hút nguồn nhân lực có tay nghề”- ông Khoa cho biết.

Giải pháp chiến lược

Ông Bùi Văn Giáo, người sáng lập Trường ĐH Phan Thiết cho rằng, du lịch Bình Thuận muốn phát triển bền vững thì phải tập trung ngay vào việc đào tạo con người. “Phải có một chiến lược dài hơi bằng các chính sách vĩ mô của địa phương. Nhưng trước mắt vẫn là tập trung ưu tiên cho đào tạo sinh viên ngành du lịch và ngoại ngữ”. Ông Giáo cho biết, hiện nay lượng khách Nga đến Bình Thuận chiếm đại đa số, sau đó là khách Trung Quốc; nhưng đội ngũ nhân viên biết tiếng Nga, tiếng Trung rất ít, nếu như không nói là khan hiếm. “Vậy thì làm sao có thể đáp ứng được các sản phẩm du lịch cao cấp để phục vụ khách quốc tế ?”- ông Giáo đặt câu hỏi.

PGS-TS Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thì cho rằng Bình Thuận cần tăng cường xúc tiến đầu tư; liên kết với các nền du lịch phát triển trong khu vực để cùng phát triển; chú trọng gìn giữ các di sản văn hóa để làm du lịch. Hai nữa, cần đầu tư vào hạ tầng giao thông, vì du khách đến với Bình Thuận đang gặp khó khăn vì mất rất nhiều thời gian. Trong các gợi ý của mình, TS Đinh Kiệm (TP.HCM) thì lại cho rằng, không chỉ chú ý nguồn nhân lực, ngành du lịch Bình Thuận muốn phát triển hơn nữa phải khai thác được thế mạnh du lịch biển, đảo. Đây là lợi thế rõ ràng nhất mà trong những năm qua ngành du lịch Bình Thuận đã từng thành công. “Với tiềm năng rất lớn về biển đảo, ngành du lịch Bình Thuận sẽ phát triển mạnh nếu biết tạo ra nhiều sản phẩm từ du lịch sinh thái để hấp dẫn du khách”.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét