Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Sôi động ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam

Những ngày này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Ðồng Mô, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) trở nên rộn ràng, sôi động với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". Trong không gian rộng lớn vùng cửa ngõ Thủ đô, dưới chân núi Tản Viên, đại diện các cộng đồng dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây, thể hiện nghĩa tình đồng bào và sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Hà Nội) se lạnh trong tiết trời đầu đông, nhưng trở nên ấm áp hơn khi có sự góp mặt của những đại biểu từ miền núi cao Tây Bắc, Ðông Bắc xuống, từ miền trung- Tây Nguyên và Nam Bộ ra. Anh A Thái, người dân tộc Rơ Măm đang mải miết với những đường rìu điêu khắc tượng, nụ cười hiền lành, niềm nở: "Chúng tôi được mời đến trại điêu khắc Tây Nguyên trong dịp Tuần lễ Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam nên vui sướng và tự hào lắm. Dậy từ sáng sớm để chuẩn bị nhưng giờ mới kịp bắt đầu công việc tạc tượng của mình".

Không khỏi ngạc nhiên vì đây là lần đầu chúng tôi được gặp người dân Rơ Măm, một trong những dân tộc thiểu số có số lượng người ít nhất hiện nay (khoảng vài trăm người) trong cộng đồng các dân tộc của vùng đất đỏ ba-dan. Ấy vậy mà theo cách nói của một người Rơ Măm khác là A Khẩn thì sự xa lạ chỉ như "sương gió sớm mau tan".

Trong khi A Thái tập trung, tỉ mẩn với công việc tạc tượng, A Khẩn lại tỏ rõ sự hài hước dù nói tiếng phổ thông còn ấp úng: "Tôi là trưởng đoàn, A Thái là phó đoàn vì đoàn Rơ Măm chúng tôi chỉ có hai người thôi". Ðoạn, anh mỉm cười kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về người dân tộc Rơ Măm; về làng Le, xã Mô Rây, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum - nơi duy nhất ở Việt Nam có người Rơ Măm sinh sống. Ðàn ông Rơ Măm chỉ mang họ A, phụ nữ Rơ Măm mang họ Y. Tuy số lượng người Rơ Măm ít nhưng sự giao thoa về văn hóa và đoàn kết dân tộc từ lâu đã ăn sâu vào tâm tưởng bà con khi họ có mối quan hệ giao thương, giao lưu văn hóa với nhiều dân tộc khác. Bằng chứng là hai người đàn ông nêu trên dù trẻ tuổi vẫn cho thấy sự hiểu biết và gần gũi trước những người bạn xa lạ: "Chúng tôi gặp rất nhiều các dân tộc anh em ở đây nhưng ấn tượng nhất vẫn là dân tộc Thái. Người Rơ Măm nghe người Thái từ lâu và bây giờ được gặp mới biết con gái Rơ Măm đã đẹp rồi, con gái Thái còn đẹp hơn nhiều". Ðoạn hai anh nhìn nhau cười, tỏ vẻ bẽn lẽn nhưng ẩn sâu trong đôi mắt họ sự gần gũi, gắn kết sâu đậm.

Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" thật sự đã đem tới sắc màu ấm áp tại Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam. Dù là nơi tập trung tái hiện, giữ gìn, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam, nhưng ít có dịp nào mà toàn bộ các dân tộc thiểu số từ mọi miền đất nước lại tập trung hết về đây trong nhiều ngày để cùng giao lưu, sẻ chia tình thân ái.

Nghệ nhân Ksor Nao, người dân tộc Gia Rai, tỉnh Gia Lai tâm sự: "Ðã từ rất lâu chúng tôi mới được ra Thủ đô trong không khí hân hoan như thế này. Ở đây chúng tôi cũng được thấy buôn làng và các biểu trưng văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, khác với trong Gia Lai bởi điều đặc biệt là những dân tộc ít người không còn sống riêng lẻ mà được đặt cạnh nhau như những người anh em một nhà, sẵn sàng gần gũi, sẻ chia". Ksor Nao và đoàn của ông đã đi thăm hầu hết các khu làng văn hóa Tây Nguyên ở đây và ông cho rằng, sự tái hiện các ngôi nhà, vật dụng của đồng bào các dân tộc ở mảnh đất ba-dan đúng với thực tế đã khiến họ rất tự hào.

Chúng tôi hòa chung vào nhóm đại biểu các dân tộc lần đầu được về với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ông Ia Tôrơ ở huyện Chư Prông, Gia Lai lặng người bên ngôi nhà rông ngay giữa trung tâm làng người Gia Rai, mắt rơm rớm: "Tôi đã hơn 70 tuổi, lần đầu được ra Hà Nội, được thấy ngôi nhà của người Gia Rai tại Thủ đô xa xôi mà vẫn cảm thấy gần gũi, thấy rất vui khi các giá trị văn hóa của dân tộc mình được Ðảng, Nhà nước lưu giữ, trân trọng đến vậy".

Ông Ia Tôrơ là cán bộ xã đã nghỉ hưu, được mời tham gia đoàn với trọng trách như một già làng, để cùng đoàn nghệ nhân Gia Rai mang âm hưởng Tây Nguyên và của dân tộc mình góp vui trong ngày hội lớn.

Có một điểm đặc biệt trong Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" 2013 là sự tái hiện không gian văn hóa và sinh hoạt của cư dân vùng sông nước phương nam qua Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ. Ðồng chí Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, thành viên Ban Chỉ đạo Tuần lễ cho biết, Không gian văn hóa chợ nổi Nam Bộ được tái hiện không chỉ là hoạt động mua bán hàng hóa mà còn giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của đồng bào miền Tây Nam Bộ.

Ông Nhâm Hùng, đoàn Cần Thơ xúc động xen lẫn phấn khởi: "Chặng đường xa mệt mỏi nhưng cũng không thể tin là công sức mình bỏ ra lại đem nhiều niềm vui cho bà con đến vậy. Ở đây, tôi được gặp lại vài người bạn Hà Nội từng đến Tây Nam Bộ, họ khen quá trời". Một bức tranh sống động của chợ nổi được tái hiện rõ nét với những chiếc ghe tấp nập bán buôn, trên đó chất đầy những vật dụng thường nhật cho đến những chiếc ghe chở đầy hoa quả, rồi ghe cắt tóc, ghe vẽ ký họa,... Ở đó, sắc màu, tình cảm con người miền sông nước càng trở nên sống động hơn bao giờ. Mấy cô gái trẻ người Lự của đoàn Lai Châu mãi chẳng chịu rời bước mặc dù chương trình "Phiên chợ vùng cao phía bắc" ngay bên cạnh, gian hàng thổ cẩm và trang phục truyền thống đang tấp nập khách vào xem...

Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" lần này còn là cơ hội để không chỉ các dân tộc Việt Nam anh em thể hiện tình đoàn kết một nhà mà còn là dịp để các vị khách nước ngoài, thấy rõ tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam. Ðoàn đại biểu đại sứ quán của 20 quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham quan trại sáng tác điêu khắc của đồng bào Tây Nguyên, không gian giới thiệu một số Làng nghề truyền thống và ẩm thực Hà Nội, Quần thể chùa Khmer,... Ai trong số họ cũng tỏ ra ngưỡng mộ sự đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng như sự đoàn kết, gắn bó của 54 dân tộc anh em.

Một đại diện nước bạn Ấn Ðộ nhận xét: "Giữa trại sáng tác, mặc dù mỗi người một trang phục truyền thống với màu sắc, hoa văn, kiểu cách khác nhau, song vẫn rất thân mật, vui vẻ giúp đỡ, cùng nhau làm việc và sáng tạo. Người Gia Rai giúp người Rơ Măm xẻ gỗ; người Xê Ðăng cùng người Ba Na tạc tượng. Qua đó có thể thấy: Họ là một khối thống nhất, một dân tộc duy nhất trên mảnh đất này". Không ít du khách nước ngoài cũng đầy thích thú khi được khoác trên mình trang phục người Lự, người Mông... Có lẽ, sự mộc mạc, chân tình và lòng hiếu khách của "các vị chủ nhà" trong mỗi không gian văn hóa dân tộc theo vùng, miền đã thật sự chiếm được tình cảm yêu mến của du khách.

Những sắc màu văn hóa, tình đoàn kết giữa các dân tộc còn được thể hiện qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật trọng tâm của Tuần lễ "Ðại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam". Ðó là những chiếc nón lá của các cô gái miền xuôi, là những thiếu nữ dân tộc trong trang phục thổ cẩm, là tiếng hát, nụ cười trẻ thơ trong những ngôi nhà yên ấm; là hình ảnh "Lá lành đùm lá rách" đối với đồng bào miền trung ruột thịt; là bức tranh non nước Việt Nam từ Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, Cao nguyên đá Ðồng Văn đến cố đô Huế, di tích Mỹ Sơn...; là không gian Nam Bộ dung dị và đầy yêu thương được tái hiện qua từng điệu hò, khúc đàn ca tài tử da diết, ngọt ngào hay không gian náo nhiệt của hội đua ghe ngo, điệu múa gáo dừa truyền thống của người Khmer...

Có thể nói, mỗi vùng miền với vẻ đẹp riêng, đã cùng nhau tạo nên một nền văn hóa Việt Nam giàu hương sắc. Trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam tại Plây Cu ngày19-4-1946, Người nhấn mạnh: Ðồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Ðê, Xê Ðăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt...".

Tình đoàn kết và bản sắc văn hóa truyền thống mãi mãi là sức mạnh của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và phát triển đất nước hôm nay cũng như mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét