Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

TRẢI NGHIỆM THÚ VỊ KHI ĐI DU LỊCH SAPA - TẮM LÁ THUỐC CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ

Sapa một vùng đất khiêm nhường, lặng lẽ nhưng ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên. Chìm trong làn mây bồng bềnh thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo, vẽ lên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Tuy nhiên, ngoài việc đến với Sapa để khám phá vẻ đẹp muôn màu, bạn hãy thử một trải nghiệm mới lạ ở nơi đây đó là dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ.

Bài tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ ở Sapa



Bản làng của người Dao đỏ thường nằm cheo leo nơi lưng chừng núi cao. Cuộc sống lại gắn liền với rừng già nên người Dao vốn giỏi nghề thuốc. Không biết từ khi nào mà các thế hệ người Dao từ đời này sang đời khác truyền nhau một bài thuốc tắm cổ truyền kì diệu từ các loại thảo mộc để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. 
Cứ vào ngày cuối cùng của năm, người Dao lại lên rừng hái lá thuốc nấu nước tắm cho cả nhà. Và bất kỳ khi nào làm việc nhiều, thấy cơ thể mỏi mệt, thời tiết thay đổi, nhức đầu, đi đường xa, đau chân, đau tay… đều tắm lá thuốc. Truyền thống từ rất lâu đời được gìn giữ tới tận bây giờ và các cây thuốc tắm đã trở thành một đặc trưng của người Dao ở Sapa



Bài thuốc tắm này phải sử dụng nhiều loại thảo dược. Thường một lần tắm ít cũng phải hơn 10 loại, còn nhiều phải hơn 120 loại thảo dược. Tùy từng loại thảo dược mà cách chế biến khác nhau. Có loại được phơi hoặc sao khô, có loại phải để tươi nguyên. Không phải ai cũng lên rừng hái lá thuốc được. Những bà mế người Dao ở Sapa nắm giữ bí quyết bốc thuốc cổ truyền rồi truyền dạy cho con gái nhận mặt cây thuốc. Những người phụ nữ đeo gùi lên vai, cầm con dao quắm, thoăn thoắt leo lên sườn núi lưng nhà mình để lấy lá thuốc. Có cây ở trên rừng nhưng cũng có cây được trồng trong vườn nhà.



Lấy đủ các cây thuốc, họ chặt nhỏ và cho vào một chiếc nồi lớn. Nồi thuốc tắm được đun sôi bằng củi, sau đó, được đổ vào cái thùng gỗ tròn trong căn phòng tắm (dành cho khách) ghép bằng gỗ mảnh. Tuỳ lượng nước tắm mà bốc thuốc nhiều hay ít. Thuốc được đun liên tục trong vòng từ 3-4 tiếng, cho thứ nước cốt màu nâu đỏ có mùi thơm ngào ngạt. Nước cốt này được pha với nước ấm theo tỷ lệ 2-98% thành nước tắm. Nước tắm phải giữ ở nhiệt độ 30-37 độ C thì mới phát huy tác dụng.

Trải nghiệm mới lạ và thú vị của du khách

Khi bắt đầu tắm lá thuốc, bạn sẽ có cảm giác tê rát xuất hiện trong vài phút đầu do nhiệt độ của nước. Tiếp đó, mùi lá thuốc xông lên mũi, lên mắt, lên miệng làm ta thoáng khó chịu vì mùi lạ. Nhưng ngay lập tức, mọi giác quan rơi vào trạng thái bồng bềnh và êm ái. Mồ hôi rịn trên trán. Các cơ bắp như một sợi dây được nới lỏng. Sảng khoái, thư thái và nhẹ bỗng là cảm giác khi bước ra khỏi thùng tắm.
Bài tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn- Sapa có khá nhiều công dụng. Dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt; hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi sinh, người sau khi ốm. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khoẻ được hồi phục.



Thuốc tắm của người Dao đỏ không chỉ đơn thuần là một phương pháp chăm sóc sức khoẻ của người dân tộc, mà còn là một yếu tố cấu thành bản sắc văn hoá của người Dao.

Bài tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ đã trở thành một sản phẩm du lịch giàu bản sắc văn hoá độc đáo, làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thị trấn du lịch Sa Pa với du khách bốn phương, khiến ai cũng muốn quay lại lần sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét