Đã mấy chục năm rồi, vậy mà tôi vẫn khó có thể quên chuyện “ngăn sông cách đò” ngay tại…Thành Phố Đà Nẵng. Đà Nẵng trước năm 1997 vẫn còn là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh vẫn chỉ “bên nớ - bên ni” xa xôi cách trở. Cầu Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng từ những năm 1960 không gánh nổi nhu cầu giao thông đô thị, buộc lòng phải “nâng cấp” cầu đường sắt Trần Thị Lý thành cầu đường bộ nhưng cũng phải chắp vá năm lần bảy lượt theo kiểu giật gấu vá vai.
Chiếc phà qua sông Hàn - kỷ niệm một thời của người dân thành phố - lúc bấy giờ trở nên nhỏ nhoi gồng gánh dòng người qua lại đông đúc. Mùa mưa bão, dòng sông đục ngầu mênh mang cuộn chảy, chiếc phà lênh đênh mà lòng người thắc thỏm nỗi lo… Cách trở đến độ khi có công có chuyện đi từ ngã ba Huế về đến Nại Hiên Đông mất đứt cả ngày là chuyện thường. Chúng ta đã đi qua những tháng năm gian khó như vậy mà bây giờ kể lại cứ ngỡ chuyện tận đẩu, tận đâu…
Hơn một năm sau ngày Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, vào ngày 2-9-1998, cầu Sông Hàn được khởi công. Đây là một quyết tâm, một cách làm độc đáo, quyết đoán mang tính đột phá hợp thời hợp lúc của lãnh đạo thành phố. Khát khao được nối nhịp đôi bờ ngay giữa lòng thành phố làm cho mỗi người dân đều trào dâng xúc cảm khó tả. Để thông tàu thuyền, giải pháp thiết kế được chọn là cầu quay. Càng tự hào hơn khi đây là cây cầu quay đầu tiên, duy nhất ở nước ta do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Trừ những người trực tiếp thiết kế, thi công và đơn vị phê duyệt, điều hành dự án, chẳng mấy ai được biết cầu sẽ quay như thế nào. Hai mùa mưa trôi qua, khi dòng sông Hàn ầm ào cuộn chảy, thì ở giữa đáy sông ấy bao người vẫn miệt mài thi công trụ quay cây cầu. Dẫu biết giải pháp thi công gần như tuyệt đối an toàn, vậy mà vẫn có bao người chẳng can cớ chi vẫn bận lòng, đa mang mối lo thắt ruột mỗi khi trời dồn dập mưa gió, nước sông dâng cao ào ạt đổ về?
Cầu Sông Hàn.
Không chỉ có vậy. Nếu như các cây cầu được xây dựng sau này chủ yếu từ nguồn ngân sách thì kinh phí xây cầu sông Hàn ngót nghét trên dưới 100 tỷ đồng phần lớn do nhân dân đóng góp. Và tấm lòng cũng như sự kỳ vọng của người dân đã được đền đáp. Sau gần 2 năm thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngày 29-3-2000, cầu quay sông Hàn được khánh thành. Ngày vui năm ấy làm rộn ràng cả thành phố. Đúng thời khắc quan trọng nhất, nhịp chính của cây cầu từ vị trí vuông góc dần xoay nối nhịp. Tôi may mắn là một trong những người đầu tiên sải bước trên câu cầu mới sang bờ bên kia. Trong khung cảnh náo nhiệt, tôi cố nán lại lan can cầu nhìn về phía tây. Cách nơi tôi đứng không xa lắm, chiếc phà nhiều thập kỷ đưa người qua lại sông Hàn lúc này đang neo tại bến. Niềm vui hoà quyện với hoài niệm làm tôi không nén nổi cảm cảm xúc. Giữa khung cảnh đất trời và lòng người đang náo nức với thời khắc đổi thay lịch sử, chiếc phà như lặng lẽ hiểu rằng mình vừa hoàn thành một sứ mệnh sau những tháng năm chở đầy sự bao dung vượt qua mưa nắng, bão dông…
Có cây cầu mới sông Hàn, TP Đà Nẵng như bừng tỉnh, vươn vai sải bước về phía biển. Hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng mọc lên, bờ đông sông Hàn thay đổi chóng vánh làm cho chính người dân thành phố còn phải ngỡ ngàng, huống chi du khách thập phương. Khu nhà chồ cùng những dãy nhà nhếch nhác, tạm bợ dọc bờ sông nhường chỗ cho tuyến đường ven sông (nay là đường Trần Hưng Đạo) diễm lệ. Quận Sơn Trà thay da đổi thịt, hoà cùng với Hải Châu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn… làm nên một diện mạo hoàn toàn mởi mẻ, đầy xuân sắc cho đô thị Đà Nẵng xứng tầm với vị thế mới.
Cầu sông Hàn có một vị trí đặc biệt trong lòng người dân Đà Nẵng là vì vậy!
Khoảng 3 năm sau, ngày 16-1-2003, Đà Nẵng lại khởi công xây dựng cây cầu mới. Khánh thành vào giữa năm 2009, cầu Thuận Phước là cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam và cũng được xem là cây cầu đẹp nhất nước bởi vị trí và kiến trúc độc đáo. Có người ví cầu Thuận Phước như một dải lụa nối hai bờ sông Hàn tại cửa sông, càng lung linh, huyền ảo và lộng lẫy vào ban đêm, nhất là vào dịp thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Cây cầu này nối đường ven biển Nguyễn Tất Thành vượt qua cửa sông tiếp giáp các tuyến đường du lịch nổi tiếng Hoàng Sa – Trường Sa vào đến tận Hội An (Quảng Nam).
Cầu Thuận Phước.
Trong 2 năm 2009 và 2010, Thành Phố Đà Nẵng lại tiếp tục khởi công thêm nhiều cây cầu nữa mà dù chưa được khánh thành đã có những dấu ấn thật đặc biệt. Đó là Cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý được thiết kế, thi công với hình dáng kiến trúc, giải pháp kết cấu độc đáo. Cầu Rồng là sản phẩm do Công ty tư vấn Louis Berger Group, Inc.(Mỹ) đã vượt qua 17 phương án của các Công ty khác đến từ Nhật, Đức và Việt Nam, thiết kế trên ý tưởng thể hiện hình dáng rồng đang bay qua sông Hàn hướng ra biển lớn, đang được cơ quan chức năng Đà Nẵng tiến hành các thủ tục đăng ký kỷ lục Guinness. Còn cầu mới Trần Thị Lý do nhà thiết kế danh tiếng của Hà Lan WSP Finland thực hiện sau khi vượt qua cuộc thi thiết kế quốc tế với sự tham dự của nhiều đơn vị đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Kết cấu trụ tháp cao 145m so với mặt sông cùng hệ thống cáp dây văng tạo nên hình ảnh một cánh buồm căng gió đang vươn ra khơi xa. Với phương án kiến trúc này, cầu mới Trần Thị Lý là cây cầu thứ hai trên thế giới có kết cấu và hình dáng độc đáo. Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cả hai cây cầu này sẽ hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng…
Cầu Rồng.
Và không chỉ có vậy, cùng với cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, trong hành trình hơn 15 năm xây dựng Đà Nẵng đã và sẽ có thêm nhiều cây cầu mà sứ mệnh của mỗi cây cầu đều gắn liền với sự phát triển, mở rộng đô thị về phía đông nam, phía tây nam thành phố. Đó là cầu Tuyên Sơn, cầu mới Nguyễn Tri Phương, cầu Hoà Xuân, cầu bắc qua sông Cái, cầu Cẩm Lệ… Sự hiện hữu của những cây cầu ấy cùng với sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng, đã làm cho gương mặt đô thị Đà Nẵng ngày càng khang trang, diễm lệ, xứng tầm với vai trò thành phố thủ phủ miền Trung -Tây Nguyên.
Nhớ từ đầu năm 2012, trong lần chuyện trò với Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Ngọc Tuấn, tôi rất vui khi biết lãnh đạo TP Đà Nẵng sẽ giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi. Không lâu sau đó, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo nghiên cứu giữ lại cây cầu có kết cấu dạng cầu dàn thép poni với kiến trúc khá đẹp này và biến thành cầu đi bộ, đồng thời bố trí cảnh quan phù hợp để người dân và du khách có thể dừng trên cầu nghỉ ngơi, vãn cảnh sông Hàn cùng vẻ đẹp của cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý (mới). Việc giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi vừa như một chứng nhân lịch sử cho bao thăng trầm, đổi thay của quê hương, vừa như một công trình phục vụ du lịch được người dân bày tỏ sự đồng tình ủng hộ. Đà Nẵng từng được cả nước biết đến về sự đột phá trong việc tìm tòi, dựng xây cái mới, hướng tới cái đẹp, nhưng cũng biết lắng nghe để nâng niu gìn giữ những gì thuộc về lịch sử văn hoá với tất cả sự cầu thị…
Cầu Trần Thị Lý.
Cảm xúc từ những cây cầu, cùng với sự đổi thay ngỡ ngàng của diện mạo thành phố trong hơn thập kỷ qua đã tạo hứng khởi cho nhiều tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc và hội hoạ… Hàng ngày thả bách bộ trên đường Bạch Đằng hoặc lang thang trên biển Mỹ Khê, biển Phạm Văn Đồng, ai cũng thấy yêu hơn thành phố quê hương mình khi nghe những lời hát say đắm lòng người: “Rồi một ngày cầu mới sẽ bắc qua/ Đường Bạch Đằng sánh vai cùng sông Hàn tình tự” (Sông Hàn tuổi 18, nhạc Minh Khang, thơ Bùi Công Minh); “Dòng sông Hàn dịu êm/ nước trong xanh hiền hoà/ cây cầu nghiêng soi bóng/ in hình ai trên sông” (Thành phố đầu biển cuối sông - nhạc Minh Đức, thơ Nguyễn Văn Soong); “Ai bắc một chiếc cầu/ Ai nối nhịp đôi bờ/ Để giờ soi bóng một riêng tôi (Sông Hàn tình yêu của tôi – An Thuyên”… Xúc cảm từ những cây cầu, cũng đã cho tôi viết nên Giấc mơ Đà Nẵng: “Đà Nẵng ngỡ ngàng phố mới/ Sông Hàn ngỡ ngàng cầu giăng/ Thành phố rộng dài thêm mãi/ Sắc hoa nở bừng phố quen”. Bài thơ nho nhỏ này may mắn được nhạc sĩ Quỳnh Hợp (TPHCM) phổ thành bài nhạc “Xôn xao Đà Nẵng” và được trình diễn trong đêm pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2011 đã nói hộ lòng thương mến đậm đà của tôi sau nhiều thập niên sống và làm việc ở thành phố này…
“Tôi yêu Đà Nẵng” – nhiều người không kìm nén được cảm xúc đã thốt lên bằng lời như vậy. Họ là dân cư ngụ hay khách thập phương, điều đó không quan trọng. Cái đáng yêu ở chỗ là tình yêu của họ trong sáng hồn nhiên và rất chân thành. Còn một niềm yêu khác, với Đà Nẵng, mà ai cũng hiểu, như ai đó đã nói rằng như “gừng cay, muối mặn”; như “qua bao lận đận mới hiểu được lòng nhau”… Phải đi qua cái thuở ban đầu xa cũ với bao gian nan thiếu thốn mới thấu hiểu hết, mới biết quý trọng và nâng niu những gì đang có. Vâng! Tình yêu đối với thành phố này, về những nhịp cầu diễm lệ và mộng mơ, sẽ tha thiết, đằm sâu như ai đó ngày nào từng cách trở đò giang, lóc cóc đạp xe ướt đẫm mồ hôi vẫn chưa đến được bên ni, chưa kịp về bên nớ; như người yêu nhau từng háo hức đợi cho cây cầu sông Hàn nối nhịp để đưa em sang bên ấy, lang thang trong đêm phố xá lung linh rồi ngồi bên nhau, bên biển đợi mặt trời lên…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét