Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Du lịch tâm linh không phải để cướp ấn

Du lịch tâm linh - du lịch của đức tin là hướng đi quan trọng của du lịch châu Á. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức này còn sơ khai và nhiều bất ổn.  

 

 Du lịch tâm linh không phải để cướp ấn
Tại đền Trần, Nam Định, đã nhiều năm diễn ra cảnh người đi lễ tìm mọi cách cướp bằng được lá ấn - Ảnh: Đức Văn

 

Khám phá giá trị

Con đường Saint James ở Tây Ban Nha không còn như nó thời Trung cổ nữa. Cách đây nhiều thế kỷ, đó là con đường của những tín đồ. Họ đổ về ngôi mộ thánh ở đó để rồi hy vọng mình sẽ được sống trong một thế giới tốt hơn sau khi chết. Niềm tin ấy giúp các tín đồ ngoan đạo hơn trong suốt đêm trường hà khắc thời Trung cổ. Còn giờ đây, dòng người đổ về Saint James đa dạng hơn nhiều. “Không chỉ những người hành hương Công giáo mà còn cả Phật tử, Thần giáo, Luther, Calvin và người theo đạo Kito giáo đến đây tìm kiếm trải nghiệm”, ông Jose Paz Gestoso cho biết tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững tổ chức tại Ninh Bình hôm qua (21.11). Ông là người đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành du lịch Tây Ban Nha suốt nhiều năm.

Những cuộc du hành tới Saint James như vậy, theo ông, chính là du lịch tâm linh. Một cách cụ thể, những chuyến đi đó, theo ông Jose là cuộc khám phá các địa điểm của lịch sử, tình cảm và văn hóa. Nó dẫn khách hành hương đến khám phá các giá trị, khám phá bản thân. Họ đến đó với bạn đồng hành, với cư dân địa phương - những người sẽ tạo điều kiện cho họ tương tác, quay ngược lại thời gian.

Tương tự như vậy, tại Thái Lan, World Weavers đã tổ chức chương trình “Trải nghiệm tu hành trong một tháng”. Doanh nghiệp này còn tổ chức “Trải nghiệm theo đạo Hồi trong một tháng” tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Ben Bowler, sáng lập World Weavers thậm chí còn được gọi là “doanh nhân của đức tin”.

 

 

 
 

Du lịch tâm linh dứt khoát phải vượt trên sự ích kỷ cá nhân để hướng tới suy nghĩ tích cực, lành mạnh, bao dung và đoàn kết

 

TS Daniel H.Olsen

 

 

Ông Zoltan Somogyu, Phó tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới, cho biết: “Trong xu hướng phát triển du lịch thế giới, du lịch tâm linh tiếp tục được nhấn mạnh và trở thành một phần trọng tâm của ngành du lịch”. 

Vượt lên trên sự ích kỷ

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Ở Việt Nam, khách du lịch tâm  linh chiếm một tỷ lệ khá lớn. Trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh đã có khoảng 13,5 triệu lượt người”. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn, khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều. Trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012, chỉ có khoảng 12% đến các điểm du lịch tâm linh.

Thời gian lưu trú của du lịch tâm linh cũng rất thấp. Theo con số của Tổng cục Du lịch, thời gian lưu trú dài nhất của du lịch tâm linh cũng chỉ là 1,8 ngày. Nhưng với thời gian này, một mình du lịch tâm linh cũng không đạt được. Nó phải kết hợp với các mục đích khác như nghỉ dưỡng, sinh thái.

Cũng theo ông Tuấn, chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường thấp. Chủ yếu đó là chi phí cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái.

 

 

 
 

Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững do Bộ VH-TT-DL phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức với sự tham dự của trên 300 đại biểu, trong đó khoảng 150 đại biểu quốc tế.

 

 

Từ những ví dụ này có thể thấy tại Việt Nam, du lịch tâm linh hiện còn đang ở mức “lạch bạch”. Nhưng quan trọng hơn, chúng ta chưa có những bảo đảm bền vững cho du lịch tâm linh. Chẳng hạn, việc bảo vệ môi trường, việc không khai thác quá tải, không tái đầu tư lại cho các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên. Hãy nhìn những cuộc hành hương vào mùa lễ hội xuân. Đây là thời điểm mà ứng xử với di sản, kết nối cộng đồng bộc lộ yếu kém rõ rệt nhất.

Ở chùa Hương, tình trạng quá tải đã kéo dài trong nhiều năm. Vào những ngày chính hội, du khách chen chúc, giẫm đạp nhau. Rác xả trên dòng suối. Tiền lẻ ném bừa bãi. Giá cả nhảy vọt. Tại đền Trần, Nam Định, đã nhiều năm diễn ra cảnh người đi lễ đạp lên nhau, trèo lên cây, tìm mọi cách cướp bằng được lá ấn. Chắc chắn đó không phải là trải nghiệm quá khứ. Càng không phải một trải nghiệm có tính liên kết cộng đồng. Trong khi đó, theo TS Daniel H.Olsen: “Du lịch tâm linh dứt khoát phải vượt trên sự ích kỷ cá nhân để hướng tới suy nghĩ tích cực, lành mạnh, bao dung và đoàn kết”.

“Ngành du lịch cần nâng tầm để có ý nghĩa và toàn diện hơn. Nếu các nhà lãnh đạo ngành du lịch chỉ nói về giá trị tiền tệ của du lịch, thì ngành du lịch sẽ không bao giờ nâng tầm lên được”, đại biểu Imtiaz Muqbil -Giám đốc điều hành trang tin du lịch Travel Impact Newswire (Thái Lan) nhận định.

Với lời khuyên này, có lẽ các lãnh đạo cần nhìn lại du lịch tâm linh của địa phương mình. Theo đó, nguồn thu từ tiền lễ, tiền bán ấn tuy nhiều nhưng không phải là điều tối thượng. Việc thổi phồng giá trị của một lá ấn không đem lại hiệu quả bền vững về văn hóa. Việc giáo dục để nâng cao ứng xử cần được làm thường xuyên cho cả du khách lẫn hướng dẫn viên du lịch. Có như thế, du lịch tâm linh trong nước mới có thể bớt chông chênh dần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét