Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Cơ hội để Sapa khẳng định thương hiệu du lịch

 

Năm nay, du lịch Sa Pa tròn 110 năm (1903 - 2013). Nhìn lại hơn 1 thế kỷ phát triển, du lịch Sa Pa đã khẳng định được vị thế đối với du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhân sự kiện 110 năm du lịch Sa Pa, Báo Lào Cai đã phỏng vấn đồng chí Lê Ðức Luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về triển vọng phát triển du lịch của “Thành phố trong sương” trong giai đoạn mới.

Phóng viên: Du lịch Sa Pa đã bước qua tuổi “bách niên”, nhìn lại hơn một thế kỷ, đồng chí nhận thấy vai trò của Sa Pa như thế nào đối với du lịch Việt Nam?

 

Đồng chí Lê Đức Luận: Có thể khẳng định, sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, Sa Pa đã được du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch vùng núi cao rất hấp dẫn, đa dạng, phong phú với các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng Sapa, du lịch mạo hiểm ở Sapa, du lịch khám phá nét đẹp văn hóa bản địa... Sa Pa cũng được xem là điểm đến trung tâm của khu vực Tây Bắc Việt Nam trước khi khách du lịch tổ chức các tour đi các điểm du lịch lân cận, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang…

 

Nhờ vào địa thế, cảnh quan, khí hậu, sự đa dạng về bản sắc văn hóa của các dân tộc mà du khách nước ngoài khi đến với Việt Nam không thể không tham gia các tour du lịch tham quan Sapa, khám phá của Sa Pa, với nhiều mới lạ, hấp dẫn và mạo hiểm. Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư, việc đi lại ngày càng thuận tiện, nên lượng khách du lịch trong nước đã tìm đến Sa Pa để trải nghiệm, khám phá những nét đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, sự đa dạng về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên… ngày càng tăng mạnh. Năm 2013, Sa Pa dự kiến đón trên 720.000 lượt khách, trong đó có khoảng 140.000 lượt khách quốc tế đến từ hơn 80 quốc gia.

 

Đến nay, du lịch Sa Pa được công nhận là 1 trong 21 điểm du lịch chuyên đề của cả nước. Điều đó càng chứng tỏ Sa Pa là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, từng bước khẳng định thương hiệu sánh ngang với các điểm du lịch vùng núi, như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…

 

Phóng viên: Đối với tỉnh Lào Cai nói chung và Sa Pa nói riêng, du lịch của “thành phố trong sương” có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

 

Đồng chí Lê Đức Luận: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đảng bộ huyện Sa Pa đã xác định du lịch là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế phát triển và là một trong 6 chương trình, 18 đề án trọng tâm. Trên cơ sở đó, huyện đã ưu tiên đầu tư các tuyến, điểm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách, nhằm phát triển kinh tế cho huyện và các vùng du lịch khác trong tỉnh.

 

Một trong những thành công của Sa Pa từ chính sách ưu tiên nguồn lực đầu tư cho du lịch chính là thu hút khách đến đây ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Năm 2012 có trên 610.000 lượt khách đến Sa Pa, tổng doanh thu về du lịch và dịch vụ đạt 488 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2013, Sa Pa đón trên 720.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 550 tỷ đồng.

 

Toàn huyện có 162 cơ sở lưu trú, trong đó có 47 khách sạn từ 1- 4 sao, với 2.560 phòng, 5.120 giường. Ngoài ra, ở các xã: Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ, Thanh Phú, Tả Phìn, San Sả Hồ có 85 hộ kinh doanh nhà nghỉ tại gia (homestay). Chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch có sự chuyển biến rõ nét, nhiều cơ sở lưu trú kinh doanh dịch vụ du lịch có chất lượng cao.

 

Phóng viên: Qua 110 năm phát triển, đã đến lúc Sa Pa phải thay đổi về chất, để khẳng định thương hiệu của mình với du khách trong và ngoài nước, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Lê Đức Luận: Trong những ngày đầu tháng 11/2013, UBND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa với quy mô cấp tỉnh. Đây là dịp tổng kết, đánh giá, khẳng định các giá trị đã đạt được trong quá trình phát triển của du lịch Sa Pa. Qua đó định hướng phát triển tương lai đảm bảo bền vững, phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và số lượng các loại hình dịch vụ, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh về du lịch của huyện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện và tỉnh. Nói cách khác, đây cũng chính là dịp để du lịch Sa Pa thay đổi về chất, khẳng định thương hiệu trên tinh thần phát triển sản phẩm du lịch ngày càng chuyên nghiệp.

 

Phóng viên: Trên cơ sở những thành công đạt được, đồng chí cho biết hướng phát triển du lịch Sa Pa trong giai đoạn tới như thế nào?

 

Đồng chí Lê Đức Luận: Sa Pa sẽ là đô thị du lịch phát triển ở tầm cao mới trên cơ sở phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch nghỉ dưỡng, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc, du lịch mạo hiểm, du lịch tâm linh, hội thảo… Từng bước khẳng định Sa Pa là khu đô thị du lịch có nhiều sản phẩm du lịch mang thương hiệu mạnh và sự phát triển bền vững của các điểm du lịch vệ tinh. Các loại hình dịch vụ du lịch của Sa Pa sẽ phát triển theo hướng lựa chọn đối tượng khách du lịch cụ thể để phục vụ, nâng cao chất lượng các dịch vụ để phân loại, lựa chọn dòng khách có khả năng chi trả các dịch vụ cao cấp.

 

Phóng viên: Muốn vậy, Sa Pa sẽ phải có chiến lược dài hơi như thế nào để khai phá tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển du lịch bền vững?

 

Đồng chí Lê Đức Luận: Nhằm khai phá tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển du lịch, Sa Pa đã xác định một số nhóm giải pháp chủ yếu. Đó là, tạo môi trường tốt cho du lịch phát triển. Điều này được cụ thể hoá bằng việc tăng cường quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch; đẩy mạnh việc trồng và bảo vệ rừng gắn với tạo cảnh quan, đặc biệt tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các xã, thị trấn có định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, giải quyết tốt vấn đề xã hội và môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện của người dân đối với du khách, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đeo bám khách, bán hàng rong… Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, trong đó đặc biệt quan trọng là quản lý giá, không để tình trạng tăng giá quá mức.

 

Tiếp tục củng cố và phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch có ưu thế, như leo núi, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… với chất lượng dịch vụ cao hơn, phù hợp với đối tượng khách có khả năng chi trả cao hơn. Tiếp tục khai thác các lợi thế về văn hóa truyền thống để đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút khách và tạo thị trường tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống, như thêu, may thổ cẩm, chạm khắc bạc...

 

Tranh thủ khai thác các nguồn lực để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư phát triển hệ thống khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, các dịch vụ chơi, giải trí có quy mô lớn, chất lượng cao.

 

Giải pháp nữa là phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trước mắt tập trung nâng cao kỹ năng quản lý, hoạt động du lịch cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Về lâu dài, huyện chú trọng nâng cao tỷ lệ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao tại địa phương.

 

Tăng cường hợp tác với các vùng, địa phương có thế mạnh về du lịch trong nước, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết nhằm phát huy lợi thế và hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá; trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch, quản lý thị trường.

 

Và giải pháp cuối cùng là tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, củng cố hoạt động của Hiệp hội Du lịch Sa Pa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn trong các lĩnh vực hoạt động du lịch.

 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét