Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng Đà Nẵng một không gian rất lý tưởng, đó là sự giao hòa giữa biển và núi. Nếu ở phía đông thành phố là những bãi biển trong xanh - hằng ngày những chàng trai cưỡi lên từng con sóng để làm chủ biển khơi, thì ở phía Tây, có một tộc người định cư ở các sườn núi cao, bao đời nay họ vẫn sống hồn nhiên, chân chất như những đứa con của Lạc Long Quân lên non lập nghiệp thuở nào.
Bỏ lại đằng sau cuộc sống tập nập của phố phường, chúng tôi tìm đến xã miền núi Hòa Bắc của huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Gần một giờ chạy xe, chúng tôi đến được thôn Tà Lang và Giàn Bí của đồng bào Cơ Tu. Hai thôn này nằm tiếp giáp với xã Tư của huyện Đông Giang, Quảng Nam. Đồng bào Cơ Tu ở đây có 200 hộ với gần 600 nhân khẩu. Theo nhiều tài liệu, đồng bào Cơ Tu ở đây là nhánh Cơ Tu vùng thấp của miền núi Quảng Nam di cư xuống. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đồng bào Cơ Tu xưa kia sống ở lưu vực sông Cu Đê, dưới chân đèo Hải Vân, do chiến tranh, người Cơ Tu ngược sông Cu Đê lên sinh sống tại đây, sau đó tỏa ra nhiều nơi thuộc miền núi Quảng Nam.
Tổ chức xã hội của đồng bào Cơ Tu ở Đà Nẵng cũng không khác gì người anh em ở vùng cao thuộc dãy Trường Sơn. Già làng vẫn là thủ lĩnh tinh thần, nhà Gươl là trái tim của cả làng - nơi thường diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của cộng đồng. Mối quan hệ gia đình và cộng đồng được đánh dấu một cách rõ ràng qua các tập tục, nghi lễ và cả những sinh hoạt hằng ngày.
Từ lâu âm nhạc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Cơ Tu
Để tìm hiểu những nét văn hóa cũng như lịch sử của đồng bào Cơ Tu, chúng tôi tìm đến nhà của già làng A Lăng Nhơi, thôn Tà Lang. Bây giờ dân làng gọi ông với một cái tên khác đó là Trương Văn Nhơi chứ không còn họ A Lăng như trước. Già Nhơi là một trong những người cao tuổi nhất làng này. Thời trai trẻ, ông cùng bộ đội đánh giặc giữ làng, ông thuộc lòng từng ngọn núi con sông phía Tây đất Quảng. Khi có chút thời gian, ông tranh thủ làm nhạc cụ để lũ trẻ trong làng sử dụng. Qua trò chuyện với ông, chúng tôi nhận ra rằng, cho dù người ta có gọi ông là A Lăng Nhơi hay một cái tên nào khác, cho dù ông có sống trong ngôi nhà xây kiến cố hay nhà lợp lá truyền thống thì cái chất Cơ Tu trong ông vẫn không thay đổi. Trong số những người Cơ Tu ở huyện Hòa Vang, bây giờ già Nhơi là kho tư liệu sống về văn hóa của đồng bào Cơ Tu vùng thấp.
Nhà Gươl của thôn Tà Lang nằm giữa làng, Gươl được dựng lại cách đây vài năm. Ngoài sự hỗ trợ của thành phố, phần còn lại do dân làng tự làm. Thời gian thi công gần 3 năm với một ngàn ngày công lao động của dân làng. Cũng giống như người anh em ở vùng cao, mỗi làng phải có một nhà Gươl. Nếu làng chưa có Gươl thì chưa gọi là làng và hầu như không khi nào nhà Gươl vắng người.
Nhà Gươl "linh hồn làng" của người Cơ Tu ở Đà Nẵng.
Hằng năm, cứ đến tháng 4, đồng bào Cơ Tu nơi đây lại tổ chức lễ hội luân phiên giữa 3 thôn: Tà Lang, Gìan Bí và Phú Túc. Năm 2012, lễ hội Văn hóa - Thể thao Cơ Tu tổ chức tại thôn Tà Lang. Tất cả những nét đặc sắc nhất về văn hóa của đồng bào Cơ Tu đã được phô bày ở lễ hội này. Trong 3 ngày, bà con không lên rẫy, trẻ con ở làng cũng tạm nghỉ học để cùng bố mẹ dự hội làng. Họ vui hội từ khi bóng sáng tinh mơ và có thể kéo dài đến tận đêm khuya, mang đến lễ hội những nét đặc sắc về văn hóa như biểu diễn cồng chiêng và múa tung tung da dá, hát lý, bắn nỏ, kéo co…Các nghệ nhân lớn tuổi như già Nhơi hay già làng A Lăng Cần ở thôn Phú Túc rất bận rộn với việc biểu diễn nhạc cụ cho con cháu nghe. Các già còn giới thiệu mục đích, ý nghĩa và cách sử dụng từng loại nhạc cụ. Bà con còn mang về những đặc sản mà họ gọi là hương rừng: Rượu cần được nấu từ men rừng thơm ngát, cá được bắt từ dưới suối, lá được lấy trong rừng để chế biến những món ăn thiết đãi khách. Những vật dụng sinh hoạt quý giá cũng được mang ra trưng bày trong ngày hội như là sự biểu thị của giàu có.
Cứ đến tháng Tư hàng năm đồng bào Cơ Tu lại tổ chức lễ hội
Với sự hỗ trợ của thành phố, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu hôm nay đã có nhiều thay đổi, những ngôi nhà xây dần thay thế những ngôi nhà sàn, mái lá truyền thống. Sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và văn hóa truyền thống ngày càng thể hiện rõ nét. Làm thế nào giải quyết vấn đề phát triển kinh tế những vẫn giữ được bản sắc văn hóa là một bài toán khó. Chính vì vậy, những người lớn trong làng luôn cố gắng bảo tồn văn hóa của cộng đồng mình. Nếu già Cần, già Nhơi giữ gìn văn hóa Cơ Tu theo cách chống xói mòn thì thầy giáo Đinh Văn Trí - người con của đồng bào Cơ Tu thì mong muốn truyền thụ vốn chữ viết của đồng bào mình cho bọn trẻ, và rộng hơn, là dạy chữ cho mọi người trong làng.
Học trò Cơ Tu đang được truyền thụ vốn chữ viết của đồng bào mình.
Nếu tạo một lát cắt văn hóa qua những ngôi làng Cơ Tu ta có thể nhận thấy, dường như không gian văn hóa ở đây đã thay đổi đáng kể so với người Cơ Tu anh em ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Một lễ hội của người Cơ Tu ở Đà Nẵng.
Mai này, những nghệ nhân như già Nhơi, già Cần hay già Trí ra đi, kho tàng văn hóa vốn ít ỏi của đồng bào Cơ Tu nơi đây có nguy cơ bị thất truyền. Vì vậy, cùng với ngôi nhà Gươl cao vút, chính quyền huyện Hòa Vang và cả những đồng bào nơi đây phải giữ gìn cái hồn của ngôi nhà Gươl. Đó là những gì còn lại của một tộc người với một bề dày văn hóa đầy đặn trên nhiều phương diện. Đồng bào Cơ Tu nơi phố làng đang chịu nhiều thách thức song vẫn đóa hoa đẹp trong bàn đồ văn hóa của thành phố Đà Nẵng - thành phố động lực của cả miền Trung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét