Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Thách thức du lịch

Là một trong số ít điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong nước, song ngành du lịch Đà Nẵng đang đứng trước thách thức về sự phát triển thiếu bền vững. Và có lẽ đây không phải là bài học của riêng du lịch Đà Nẵng.

Du lịch Đà Nẵng những năm gần đây đã vượt qua nhiều địa phương khác. Nếu trong năm 2004, thành phố chỉ đón khoảng 650 ngàn lượt khách thì tới năm 2012, tổng lượt khách đến Đà Nẵng đã đạt 2,7 triệu lượt. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch năm 2004 là 814 tỷ đồng thì năm 2012, con số này đã đạt 6.000 tỷ đồng.

Để có được những thành tích này, theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng: “Đấy là thành quả của sự phối hợp liên tục và đồng bộ từ trên xuống dưới và sự vào cuộc của tất cả các ngành chức năng trên địa bàn. Trong đó không thể không kể đến sự góp sức của các doanh nghiệp, của người dân Đà Nẵng”. Bên cạnh những biện pháp tạo được ấn tượng mạnh với du khách như “chương trình 5 Không- 3 Có”, thành lập đội trật tự du lịch chống chèo kéo du khách, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch… Đà Nẵng vẫn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn “Nụ cười thân thiện”, “Văn minh thương mại” cho những người dân kinh doanh dịch vụ du lịch nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao kỹ năng phục vụ du khách. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng chú trọng xây dựng hệ thống phát thanh bằng loa trên bãi biển ở Đà Nẵng để tuyên truyền người dân và du khách nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường… 



Một điểm du lịch phát triển và được yêu thích như Đà Nẵng cũng không tránh khỏi đứng trước những thách thức sau quá trình phát triển quá nóng của nền kinh tế.

Đây là những việc làm tưởng như đơn giản, song không phải địa phương nào cũng làm được. Và chính những điều đó đã góp phần làm nên thành công của Đà Nẵng trong việc tạo nên một hình ảnh du lịch văn minh, an toàn và thân thiện.

Tuy nhiên, ngành du lịch Đà Nẵng hiện cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về việc phát triển thiếu bền vững. 

Thông thường, đến với một điểm du lịch, du khách có ba nhu cầu chính là: Xem- Nghỉ - Chơi. Với những gì đã và đang làm được, Đà Nẵng đã bước đầu đáp ứng khá tốt những nhu cầu này, song chưa đủ để níu chân du khách lưu trú lâu dài và quay trở lại nhiều lần.

Về Xem. Ngoài cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế mỗi năm chỉ diễn ra một lần và những điểm đến “chỉ cần đi một đến hai lần là hết cái để xem” như bán đảo Sơn Trà, Bà Nà Hills, bãi biển Mỹ Khê, Cù Lao Chàm…, nhìn chung Đà Nẵng không có thứ gì khác để “khoe” với du khách. Thành phố này cũng không có di sản nào tầm cỡ thế giới khiến người ta quan tâm như Mỹ Sơn hay Hội An (Quảng Nam), Cố đô Huế… Trong khi đó, công tác liên kết phát triển du lịch với các địa phương lân cận như Huế và Quảng Nam hiện nay tuy đã có, song vẫn chỉ dừng lại ở những bước đi cầm chừng, chưa thực sự có sự kết nối chặt chẽ và thường xuyên. Vậy nên mới có chuyện những du khách lưu trú tại Đà Nẵng lâu dài từ 1 tuần đến nửa tháng thì không biết đi đâu và xem gì ngoài những điểm đến quen thuộc ở trên?

Về Nghỉ. Theo thống kê của Sở VHTTDL, thành phố Đà Nẵng hiện nay có 355 khách sạn với tổng số 11.447 phòng, trong đó có 54 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3-5 sao và tương đương. Tuy số lượng khách sạn và nhà nghỉ ở Đà Nẵng phát triển khá nhanh và nhiều, nhưng thực tế cho thấy đa số khách sạn nằm bên bờ biển, vị trí được coi là lý tưởng để nghỉ dưỡng và tắm biển lại không dành cho những du khách bình dân bởi giá cả khá đắt đỏ. Những vị khách ít tiền chỉ có cách lưu trú trong những nhà nghỉ hoặc khách sạn bên trong thành phố, chấp nhận việc phải đi lại xa hơn và tận hưởng kém thoải mái hơn. 



Cầu Rồng tại Đà Nẵng phun lửa, nước vào 21h mỗi ngày thứ bảy và chủ nhật

Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh về “phần cứng” của các cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng đã dẫn đến một hệ quả là các khách sạn, khu nghỉ mát thiếu nhân lực trầm trọng vì “cung không đủ cầu”. Theo thống kê, hiện các trường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch tại Đà Nẵng chỉ đáp ứng khoảng 1/10 yêu cầu so với thực tế. Bởi vậy, các đơn vị du lịch phải tìm đủ mọi cách để tuyển đủ nhân viên, kể cả lao động chưa từng qua đào tạo. Điều này tất yếu dẫn đến hệ lụy khác là chất lượng phục vụ du khách bị giảm và nghiễm nhiên nhu cầu nghỉ ngơi của du khách chưa được thỏa mãn tốt nhất.

Về Chơi. Đà Nẵng nổi tiếng là một thành phố hiện đại, sạch sẽ, quy củ, nhưng cũng nổi tiếng là một thành phố “đi ngủ sớm”. Chỉ đến 9h tối là hầu hết các cửa hàng, dịch vụ mua sắm, khu vui chơi giải trí, rạp chiếu phim… đã đóng cửa. Có chăng chỉ còn lèo tèo vài cửa hàng café, phòng trà, bar và quán nhậu còn mở cửa muộn hơn nhưng cũng không quá 24 giờ hằng ngày.

Vậy nên nếu ở lại Đà Nẵng vào buổi tối ngoài việc đi ăn tối, xem cầu Rồng phát sáng và phun lửa và nước (nếu may mắn đến vào dịp cuối tuần) thì du khách chỉ còn cách lượn một vòng qua các phố phường của thành phố rồi…về khách sạn ngủ. Có muốn tiêu tiền cũng không biết tiêu gì và ở đâu? Đối với những du khách đến từ phương Tây, nơi có múi giờ chênh lệch hoàn toàn với Việt Nam thì đó quả là một cảm giác không hề dễ chịu bởi với họ thời điểm sau 24 giờ mới là lúc lý tưởng để vui chơi và khám phá. Điều này giải thích vì sao nhiều du khách đến Đà Nẵng vẫn thường chọn những tour ngắn ngày, hoặc chỉ dừng lại Đà Nẵng như một điểm trung chuyển giữa 2 thành phố du lịch nổi tiếng là Huế và Hội An.

Có thể thấy rằng, một điểm du lịch phát triển và được yêu thích như Đà Nẵng cũng không tránh khỏi đứng trước những thách thức sau quá trình phát triển quá nóng của nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, với những tiềm năng và thế mạnh hiện có, việc Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là đúng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thành phố này đang trong tình trạng khủng hoảng bởi nguồn thu từ khai thác quỹ đất giảm mạnh. Tuy nhiên, để có thể hướng tới sự phát triển lâu dài và bền vững, du lịch Đà Nẵng không thể hài lòng với những thành tích đã đạt được mà cần có sự chuyển biến đáng kể trong cách nghĩ, cách làm.

Ngoài việc cần tạo ra những sản phẩm lưu niệm đặc trưng và có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận Quảng Nam và Huế để tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn thì Đà Nẵng cũng cần lưu ý đến việc điều chỉnh lối sinh hoạt của thành phố, tạo ra những dịch vụ vui chơi giải trí sôi động về đêm để níu chân du khách lưu trú lâu hơn.

Từng có ý kiến cho rằng Đà Nẵng có thể tham khảo một số mô hình phát triển dịch vụ mua sắm, giải trí về đêm sôi động hấp dẫn ở Singapore như khu chợ ẩm thực đêm Chinatown hay thiên đường mua sắm Orchard Road – nơi cuộc sống không có sự khác biệt quá lớn giữa đêm-ngày và có thể thỏa mãn được nhu cầu ăn chơi nghe nhìn của du khách. Khi đó, Đà Nẵng sẽ tạo dựng được hình ảnh về một thành phố trẻ, năng động và hấp dẫn, khác biệt với vẻ hoài cổ, trầm mặc của phố cổ Hội An hay cố đô Huế.

Chỉ có cách thẳng thắn nhìn nhận những điểm yếu và nỗ lực làm mới chính mình, du lịch Đà Nẵng mới vượt qua những thách thức hiện không kém phần gay gắt để phát triển bền vững và củng cố hình ảnh của một điểm đến đang được ưa chuộng, đồng thời có thể vươn ra khu vực và thế giới. Và có lẽ đây là bài học không chỉ dành cho riêng cho Đà Nẵng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét